Do giá xăng dầu tăng cao dẫn đến khoảng 40 - 50% tàu cá trên toàn tỉnh Nghệ An phải nằm bờ, một số bán giải bản. Tỉnh Nghệ An đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khai thác hải sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An kiến nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ 1 lần kinh phí nhiên liệu cho chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên, có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản còn hạn theo quy định, mức hỗ trợ là 20.000 đồng/CV, tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là gần 13,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh, cụ thể như Nghị quyết số 02/2020/NQ - HĐND, nâng mức hỗ trợ kinh phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình từ 120.000 đồng/tàu/tháng lên 300.000 đồng/tàu/tháng; chính sách hỗ trợ mua bóng đèn led đối với các tàu cá làm nghề lưới chụp và lưới vây có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên; chính sách hỗ trợ mua, lắp đặt kho đông bảo quản sản phẩm trên tàu.
Ngoài ra, bổ sung thêm nguồn kinh phí tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển, xử lý các tàu khai thác sai nghề, sai vùng, vi phạm vùng cấm khai thác có thời hạn, kiểm tra xử lý các tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng, nâng cấp cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, kè chắn cát, nạo vét luồng lạch tại một số cửa lạch trọng điểm; xây dựng ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho chủ tàu tham gia khai thác hải sản, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên biển.
Riêng với các tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính cần chỉ đạo Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An tiếp tục triển khai bán bảo hiểm cho các tàu cá theo quy định cũng như nhanh chóng xử lý bồi thường cho các tàu cá mua bảo hiểm theo Nghị định 67 không may gặp sự cố rủi ro; các ngân hàng thương mại cho vay đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 xem xét thay đổi cách thức tính tiền trả nợ cho ngư dân trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nghề khai thác mất mùa, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Ông Trần Xuân Nhuệ, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 104.180 tấn, giá trị ước đạt 2.250,6 tỷ đồng; trong đó, khai thác biển đạt 100.836 tấn, bằng 55% so với kế hoạch năm, bằng 105,36% so với cùng kỳ năm trước.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định, song hiện hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt là những tháng đầu năm 2022 giá xăng dầu liên tục tăng cao (tăng hơn 70% so với thời điểm ngày 31/12/2021) kéo theo các dịch vụ khác tăng theo; tổng chi phí trung bình chuyến biển tăng lên từ 40 - 60 triệu đồng so với năm 2020 nên thu nhập bình quân lao động giảm từ 3-5 triệu đồng/lao động/tháng.
Bên cạnh đó, nguồi lợi thủy sản ngày càng suy giảm nghiêm trọng, cường lực khai thác luôn ở mức cao, ngư trường khai thác truyền thống bị thu hẹp; thiếu lao động nghề cá, tình trạng các tiểu thương, người thu mua hải sản, chủ nậu vựa thông đồng ép giá hải sản nên giá luôn ở mức thấp; thiếu nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các công trình cảng cá, bến cá, đặc biệt là nạo vét luồng lạch, xây dựng kè chắn sóng, cát, chống bồi lắng tại các cửa lạch; hạ tầng các công trình xây dựng không đồng bộ, xuống cấp; nguồn kinh phí phục vụ tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển còn thiếu, lực lượng tuần tra mỏng, trang phục, lực lượng quy định không rõ ràng.
Theo ông Trần Xuân Nhuệ, trước thực trạng trên, giải pháp cấp bách hiện nay là các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện tốt tuyên truyền ngư dân khai thác, đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không khai thác các nghề cấm, ngư cụ cấm và tổ chức khai thác thủy sản theo đúng mùa vụ và kích thước mắt lưới theo quy định; giảm và chuyển nghề khai thác có tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản sử dụng nhiều nhiên liệu sang nghề khai thác thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản; động viên bà con ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tiếp tục vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Song song đó, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, hỗ trợ giúp đỡ tìm kiếm ngư trường, tiết kiệm chi phí, tăng thời gian bám biển, tăng hiệu quả kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ban, ngành đặc biệt là cấp cơ sở kiểm điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Về giải pháp lâu dài, tỉnh Nghệ An cần xây dựng lộ trình giảm dần số lượng tàu cá khai thác hải sản vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi, điều chỉnh cường lực khai thác của các nghề để phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản bảo đảm tiến tới nghề khai thác thủy sản bền vững; kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng hình thành chuỗi cung ứng khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm; khôi phục, hỗ trợ chính sách phục vụ hoạt động của 12 tổ đồng quản lý để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.