Đề xuất nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp

Chiều 29/6, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức Hội nghị phối hợp tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và tội phạm vi phạm trên biển.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị Hội nghị phối hợp tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống IUU. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, đến nay, tỉnh có 5.967 tàu cá chiều dài từ 6m trở lên. Trong đó, tàu cá khai thác vùng khơi có 3.262 tàu, chiếm 54,8%. Tất cả 3.262 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đều đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đạt 100%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài như: tuyên truyền vận động chủ tàu cá, ngư dân làm bản cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; hỗ trợ lắp thiết bị giám sát hành trình; duy trì và kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; tổ chức tuần tra, kiểm soát các vùng biển được phân công quản lý; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến việc khắc phục “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Tất cả những tàu cá vi phạm của Bình Định đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, đã nhiều năm liền không về địa phương gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, ký cam kết, khó xử lý…

Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, hầu hết ngư dân đều đã được tuyên truyền, nắm bắt thông tin các quy định về vùng biển được phép khai thác nhưng do mong muốn lợi ích cao nên một số ngư dân đã cố tình vi phạm.

Chú thích ảnh
Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu kết luận tại hội nghị. 

Đại tá Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nhận định: Nguồn lợi thủy sản trong vùng biển nước ta ngày càng cạn kiệt, giá xăng dầu tăng cao cộng với chi phí nhân công lớn nên khai thác trong nước lợi nhuận thấp hoặc có thể bị thua lỗ dẫn đến ngư dân có xu hướng sang vùng biển nước ngoài để khai thác vì lợi ích kinh tế. Lực lượng tuần tra trên biển còn mỏng, ranh giới vùng biển một số khu vực chưa phân định nên khó khăn trong xác định vùng biển vi phạm. Bên cạnh đó có sự tiếp tay, bao che của lực lượng chức năng nước ngoài cho tàu cá của Việt Nam “đóng thuế”, “hối lộ” để được khai thác hải sản.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, để góp phần chống khai thác IUU, khắc phục “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường các lực lượng chấp pháp (Hải quân, Cảnh sát biển) trên vùng biển chồng lấn để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa tàu cá Việt Nam có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Bình Thuận đến Kiên Giang (nơi có hơn 400 tàu cá của Bình Định hoạt động lâu ngày không về địa phương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài để cảnh báo, răn đe, xử lý.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội nghị.

UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ven biển kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu cá của Bình Định lâu ngày không về địa phương; xây dựng quy chế phối hợp về quản lý phương tiện tàu cá đối với các lực lượng chấp pháp trên biển. UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh phía Nam tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, xác minh, xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây tổ chức môi giới đưa tàu cá ra nước ngoài để khai thác hải sản trái phép.

Theo Đại tá Vũ Trung Kiên, lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên duy trì biên đội tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU và tội phạm, vi phạm pháp luật kết hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực. Thời gian qua, tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng chống IUU, thường xuyên duy trì từ 8 - 10 tàu, sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống IUU và tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển giáp ranh các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia...

Đại tá Vũ Trung Kiên cho rằng, để ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản thác bất hợp pháp, tháo gỡ “Thẻ vàng” cần có sự chung tay, phối hợp của các cấp, các ngành, của nhiều lực lượng chấp pháp. Các kiến nghị, ý kiến về quản lý tàu cá của tỉnh Bình Định sẽ là cơ sở để Cảnh sát biển Việt Nam tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Chính phủ có những giải pháp hợp lý trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Nguyên Linh (TTXVN)
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Nâng cao nhận thức phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Nâng cao nhận thức phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Nhằm sớm gỡ "thẻ vàng" IUU mà Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt đối với thủy sản Việt Nam, hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau tiếp tục tăng cường phối hợp, vừa tuần tra, kiểm soát chống khai thác IUU, vừa tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho chủ phương tiện, thuyền viên về những quy định về khai thác IUU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN