Đến nay, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%), 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 17,15% xã nông thôn mới), 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,39% (kế hoạch 1-1,5), tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3,63% (kế hoạch 2,5%).
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của ba chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 và Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 là 5.344,388 tỷ đồng. HĐND tỉnh Nghệ An đã phân bổ số vốn 4.931,108 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 1.379,680 tỷ đồng, triển khai tại 411 xã; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 2.632,560 tỷ đồng, triển khai 9 dự án thành phần; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 918,868 tỷ đồng, triển khai 2 dự án thành phần.
Quá trình triển khai ba chương trình vẫn còn tồn tại, hạn chế. Nghệ An có điều kiện tự nhiên, số lượng thôn bản, xã, huyện đặc biệt khó khăn còn lớn; dân số chủ yếu sinh sống ở vùng miền núi; các nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu. Số lượng văn bản chỉ đạo chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia lớn, còn có sự chồng chéo; năng lực của cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ liên kết chưa rõ…
Để thực hiện hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia, Nghệ An tiếp tục thực hiện nguyên tắc “bám trên, sát dưới”, chuẩn bị từ sớm, từ xa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tổ chức thực hiện; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh xuống cơ sở với cách làm sáng tạo, phù hợp.
Tỉnh xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong tổ chức thực hiện; tập trung các nguồn lực để thực hiện. Đối với những vấn đề “chưa chín, chưa rõ” thì mạnh dạn làm thí điểm trong phạm vi thẩm quyền cho phép. Đồng thời, tỉnh thành lập các tổ công tác chỉ đạo triển khai chương trình; quan điểm là huyện sẵn sàng làm thay cho xã, theo phương châm cầm tay chỉ việc để nâng cao trình độ cho cấp dưới; tăng cường kiểm tra giám sát, tránh tư tưởng tránh né, sợ sai, không dám làm…
Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Trong triển khai các dự án, nội dung thành phần, tỉnh chỉ đạo gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, phòng, ban; kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Về lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt, giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án; chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung được giao.