Nâng cao hiệu suất tưới tiêu nhờ cải tạo trạm bơm

Những năm gần đây, nhiều trạm bơm lạc hậu, xuống cấp, tiêu hao điện năng ở Hải Dương được quan tâm đầu tư cải tạo, giúp nâng cao công suất, năng lực tưới tiêu phục vụ cho sản xuất và đời sống.

Chú thích ảnh
Hiện trạng xuống cấp của trạm bơm Cẩm Điền (huyện Cẩm Giàng).

Nằm trên địa bàn xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, trạm bơm Quảng Giang được xây dựng từ năm 1978, đảm bảo tiêu úng cho diện tích trên 1.000 ha. Qua hơn 40 năm khai thác, vận hành, trạm này ngày càng xuống cấp, hiệu suất kém và môi trường làm việc cho công nhân không đảm bảo.

Chị Nguyễn Thị Luyến, Cụm trưởng cụm thủy nông Đò Bía, phụ trách vận hành trạm Quảng Giang cho biết: “Trong 6 trạm thuộc cụm Đò Bía thì Quảng Giang là trạm xuống cấp nhất. Cách đây hơn một năm, các hạng mục xây dựng của trạm, máy móc, thiết bị điện đều hư hỏng, mỗi khi vận hành, công nhân lúc nào cũng nơm nớp lo mất an toàn”.

Trạm Quảng Giang có 4 máy bơm, công suất mỗi máy 4.00 m3/h. Tuy nhiên, do máy cũ, lạc hậu nên mỗi khi vận hành, các nữ công nhân phải mồi máy mất cả tiếng đồng hồ. Chưa kể, công suất kém nên thời gian tiêu úng chậm và khuôn viên nhà trạm cũng xuống cấp khiến người lao động không yên tâm làm việc.

Đây cũng là thực trạng của trạm bơm Nam Đồng (thuộc địa phận thành phố Hải Dương). Trạm xây dựng năm 1978, có 15 máy bơm, công suất mỗi máy 4.000 m3/h, phục vụ tưới cho 111 ha và tiêu cho 2.358 ha. Anh Phạm Bá Hanh, công nhân vận hành tại trạm bơm Nam Đồng, người đã có thâm niên gắn bó với trạm bơm từ năm 1999 đến nay cho biết: “Khoảng 2 năm trước, máy móc xuống cấp nên mỗi lần vận hành, anh em trong trạm phải khuân từng xô bùn lên để đắp xung quanh ống hút rồi mới vận hành được”.

Tương tự, trạm bơm Lường Xá, ở xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng cũng là một trong số những trạm xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hữu Tuệ, Phó Giám đốc - Trưởng phòng Kỹ thuật của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Cẩm Giàng cho biết: “Trong số 18 trạm bơm do xí nghiệp quản lý, trạm Lường Xá xây dựng năm 1970 là trạm xuống cấp nhất. Khi vận hành, công nhân phải vất vả mồi bằng phương pháp thủ công. Nhà trạm bị dột, thấm, nguy cơ mất an toàn, chi phí sửa chữa thường xuyên tốn kém”.

Chú thích ảnh
Khuôn viên trạm bơm Quảng Giang sau khi cải tạo.

Trong hai năm 2018 - 2019, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hải Dương đã tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp cho 24 trạm bơm trong toàn tỉnh. Các trạm được thay thế máy móc, thiết bị mới; tu sửa khuôn viên và nhà trạm, nhà quản lý; sửa chữa hệ thống điện, giúp hiệu suất tưới tiêu được cải thiện rõ rệt.

Ở trạm Quảng Giang, toàn bộ máy bơm cũ được thay thế. Hiện trạm có 4 máy mới, công suất 4.000 m3/h. Hệ thống điện cũ kỹ, lạc hậu đã được thay mới. Chị Nguyễn Thị Luyến vui mừng cho biết: “Sau khi trạm được nâng cấp, hiệu suất tiêu được nâng lên, công nhân làm việc đỡ vất vả hẳn. Nhà quản lý được tu sửa khang trang, ai cũng cảm thấy yên tâm khi đến trạm làm việc, đặc biệt là mùa mưa bão”.

Chú thích ảnh
Trạm bơm Nam Đồng sau khi cải tạo.

Niềm vui khi trạm bơm được “thay áo mới” cũng là tâm trạng chung của công nhân trạm bơm Nam Đồng. Anh Phạm Bá Hanh chia sẻ: “Tôi làm ở đây từ những ngày trạm chỉ có máy bơm công suất 1.000 m3/h, chứng kiến nhiều lần cải tạo nhưng chưa lần nào trạm được cải tạo lớn như đợt mới đây. Nếu như trước kia mất khoảng 3 tiếng mới có thể vận hành trạm bơm được, nay chỉ cần khoảng 30 phút. Hiệu suất của trạm từ chỗ chỉ đạt 65%, nay đạt 85 - 90%”.

Còn đối với trạm bơm Lường Xá, ông Nguyễn Hữu Tuệ so sánh: “Trước đây với 3 máy công suất mỗi máy 1.400 m3/h, hiệu suất kém nên thời gian tiêu úng khoảng 5 giờ. Sau khi cải tạo từ tháng 10/2019 đến nay, công nhân không phải mồi thủ công nữa, việc vận hành nhàn hơn mà thời gian bơm tiêu úng chỉ còn 3 tiếng”. Hiệu suất trạm bơm được nâng cao, giảm tiêu hao điện năng, lại không phát sinh chi phí sửa chữa thường xuyên.

Chú thích ảnh
Trạm bơm Lường Xá (huyện Cẩm Giàng) sau khi được cải tạo.

Theo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, đơn vị đang quản lý 276 trạm bơm trong toàn tỉnh, đa phần trong số đó đều được xây dựng lâu năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Khảo sát cho thấy, toàn tỉnh hiện vẫn còn gần 200 trạm bơm cũ nát cần cải tạo.

Đơn cử như trạm bơm như trạm Ngọc Trì, thuộc địa phận xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Nam Sách cho biết, trạm này hiện có 22 máy công suất 4.000 m3/h chuyên phục vụ tiêu úng, nhưng những đợt mưa lớn thì chính trạm bơm này cũng bị nước tràn vào. Hoặc như trạm bơm Cẩm Điền ở huyện Cẩm Giàng có 3 máy công suất 2.500 m3/h trước kia chỉ phục vụ tiêu úng nội đồng, song hiện phải đáp ứng nhiệm vụ tiêu úng cho toàn bộ khu công nghiệp VSIP. Hiện nay, máy móc và nhà trạm của trạm Cẩm Điền đã cũ nát, tường nứt, máy bơm han rỉ, công suất kém, khó đáp ứng được nhiệm vụ…

Việc duy tu bảo dưỡng, nâng cấp các trạm bơm nói riêng và hệ thống công trình thủy lợi nói chung là nhu cầu bức thiết đối với Hải Dương trong bối cảnh hiện nay. Thực tế cho thấy, cải tạo trạm bơm vừa giúp nâng cao năng lực tưới tiêu phục vụ sản xuất, vừa đem lại môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp cho người lao động, góp phần bảo vệ, giữ gìn các máy móc thiết bị của trạm.

Theo số liệu tổng hợp nhu cầu đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2025, có trên 530 hạng mục cần đầu tư với kinh phí khoảng 2.360 tỷ đồng. Với gần 200 trạm bơm xuống cấp, kinh phí cải tạo cũng là con số không nhỏ. Đây là bài toán cần sớm có lời giải để Hải Dương có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển trong thời gian tới, nhất là khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Bài và ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Hải Dương: Nhân rộng các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững
Hải Dương: Nhân rộng các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững

Ngày 28/11, tại Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương tổ chức Hội thi Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tỉnh Hải Dương năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN