Điển hình như Hợp tác xã Cam sành Lục Yên hoạt động hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi, tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người trồng cam.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai cùng sự đoàn kết, giàu kinh nghiệm của những người trồng cam chính là tiền đề để Hợp tác xã Cam sành huyện Lục Yên thành lập. Sau 7 năm thành lập, với 16 thành viên góp số vốn điều lệ 200 triệu đồng, đến nay, Hợp tác xã đã hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển bền vững cây cam sành.
Hợp tác xã tổ chức thành 5 nhóm sản xuất bao gồm các thành viên có diện tích sản xuất gần nhau để thuận tiện cho việc hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm giữa các hộ. Hợp tác xã đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động tập huấn khoa học kỹ thuật; kết nối với công ty, doanh nghiệp cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phối hợp với ngân hàng bảo lãnh vay vốn cho thành viên, tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm cam...
Từ việc lựa chọn hướng đi đúng đã làm giảm các chi phí từ chi phí đầu vào đến công lao động, vận chuyển tiêu thụ, nâng cao được giá thành sản phẩm làm thay đổi hoạt động sản xuất - tiêu thụ nông sản đơn lẻ của các hộ trồng cam trong khu vực. Hợp tác xã đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho người dân địa phương trong việc hỗ trợ kiến thức kỹ thuật, kết nối thị trường tiêu thụ.
Bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc Hợp tác xã Cam Sành Lục Yên cho biết, cam sành rất phù hợp với thổ nhưỡng của Lục Yên, nhờ đó, sản lượng cam sành được người dân phát triển rộng, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Hợp tác xã cũng triển khai nhiều giải pháp để có thể đưa cam sành Lục Yên ra thị trường nhiều hơn, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cam sành Lục Yên.
Hợp tác xã hiện có diện tích 59 ha cam, trong đó có trên 30 ha được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Năm nay, tổng sản lượng vụ cam sành đạt khoảng 350 tấn. Với giá khởi điểm trung bình là 15.0000đ/kg, dự kiến tổng doanh thu trên 5,2 tỷ đồng.
Do cam có chất lượng tốt nên giá cam của Hợp tác xã luôn cao hơn so với sản phẩm tương đương sản xuất theo phương pháp truyền thống. Hiện nay, cam sành Lục Yên đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Yên Bái, có mặt tại nhiều tỉnh thành và trung tâm thương mại như: Hapro, BigC, Công ty Nông Sản Việt Bắc…và nhận được sự chào đón của người tiêu dùng. Đó cũng là cú hích để sản phẩm cam của Hợp tác xã tiếp tục vươn xa hơn trên thị trường.
Nhờ hoạt động hiệu quả, các thành viên trong Hợp tác xã đã có việc làm ổn định, kinh tế gia đình ngày càng phát triẻn, với thu nhập trung bình gần 200 triệu đồng/thành viên/năm. Đồng thời tạo việc làm cho 250 lao động theo thời vụ với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/ tháng…
Anh Phạm Văn Hùng, thôn Khe Pắn, xã Khánh Hòa là một trong những thành viên của Hợp tác xã, anh Hùng cho biết, cây cam sành trồng ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên phát triển nhanh, từ năm thứ 2 đã có thể thu hoạch được.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã từng bước chuyển dịch sang sản xuất cam an toàn, theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong quá trình trồng, chăm sóc, các thành viên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc chiết xuất từ tỏi, ớt và các loại thuốc trừ sâu sinh học và không sử dụng thuốc trừ cỏ trong toàn bộ quá trình chăm sóc, sản xuất cam. Sử dụng các loại phân hữu cơ từ chất thải của gia súc hay từ đậu tương, ngô….
Các thành viên Hợp tác xã cam ký kết thống nhất quy trình kỹ thuật cơ bản và hệ thống quản lý chất lượng để áp dụng trong toàn bộ Hợp tác xã; đầu tư trang bị vật dụng thiết yếu để đảm bảo việc kiểm định, giám sát về an toàn thực phẩm; tuân thủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, dịch vụ vật tư nông nghiệp.
Bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc Hợp tác xã Cam Sành Lục Yên cho biết thêm, để nâng cao chất lượng, khẳng định được giá trị sản phẩm cam sành Lục Yên, Hợp tác xã đã thực hiện đúng việc trồng và chăm sóc cây theo quy trình VietGAP, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cho phép và có nhật ký phun, chăm sóc và sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ.
Sản xuất Cam sạch, hữu cơ cũng là hướng đi đúng để xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên phát triển du lịch trải nghiệm tại các nhà vườn kết hợp với các hình thức du lịch sinh thái khác. Năm 2017, nhãn hiệu tập thể cam Lục Yên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, đã trở thành động lực để người dân trên địa bàn huyện tiếp tục đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích.
Trong quá trình phát triển, người trồng cam cũng gặp phải những khó khăn khi thị trường trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cây cam bị bệnh, thoái hóa .. Tuy nhiên, xác định cây cam là cây trồng mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân, xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên đã nỗ lực thực hiện các giải pháp khôi phục diện tích, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu.
Hiện nay, cây cam sành tiếp tục được tuyển chọn, nhân giống, thâm canh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để quảng bá và cung ứng sản phẩm rộng rãi ra thị trường cả nước với chất lượng cam ngày càng cao hơn. Xã Khánh Hòa cũng khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng cam.
Theo ông Lê Đức Cảnh - Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hòa, địa phương đã thành lập Hợp tác xã cam sành để bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân, nhờ đó, bà con có động lực để tiếp tục phát triển vùng trồng cam, cam của xã Khánh Hóa cũng là một vùng cao chính của huyện Lục Yên, được giới thiệu đến thị trường trong cả nước. Cam sành Lục Yên là sản phẩm chủ lực được cấp ủy chính quyền địa phương đưa vào Nghị quyết để triển khai phát triển mở rộng diện tích trồng, mỗi năm từ 20-40 ha trồng mới.
Thời gian tới, Hợp tác xã cam sành Lục Yên tiếp tục mở rộng thêm diện tích canh tác hữu cơ, phấn đấu 100 % diện tích được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.