Nhiều chính sách hỗ trợ được thực thi cùng cơ chế liên kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm đang từng bước làm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng trái cây theo hướng sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.
Đòn bẩy từ chính sách hỗ trợ
Hiện, toàn tỉnh Yên Bái có trên 10.000 ha cây ăn quả, diện tích này có xu hướng tăng qua từng năm. Trong đó, đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung với tổng diện tích gần 6.000 ha, năng suất đạt 90 tạ/ha, cho sản lượng đạt trên 36.000 tấn/năm. Đáng chú ý diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP ngày càng tăng, chiếm khoảng 1.500 ha. Tập trung chủ yếu ở các huyện vùng thấp là Văn Chấn, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho thấy, diện tích có khả năng chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, nhất là khi một số giống cây ăn quả mới được trồng thí điểm thành công trên địa bàn các huyện vùng cao. Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển cây ăn quả đang được tỉnh Yên Bái làm thận trọng, từng bước phù hợp với thổ nhưỡng của mỗi loại cây, trên cơ sở gắn sản xuất với chế biến và nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, các cơ quan chuyên môn đang nỗ lực tham mưu mở rộng diện tích quy hoạch theo từng vùng, phù hợp cho từng loại cây ăn quả. Sau nhiều năm trồng thử nghiệm một số giống cây ăn quả mới, đến nay tỉnh Yên Bái hình thành một số vùng trồng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch sản phẩm.
Cùng với quy hoạch thành vùng trồng tập trung, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn, lai ghép hình thành ngân hàng các giống cây ăn quả cho năng suất, chất lượng cao phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng. Bên cạnh việc xây dựng các chương trình khuyến nông về canh tác tiên tiến, tỉnh Yên Bái duy trì chính sách hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho những diện tích trồng mới; hỗ trợ giống cho cải tạo, thay thế những cây ăn quả già cỗi, năng suất thấp bằng những cây trồng mới, mang lại giá trị kinh tế cao.
Đối với công tác hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch, ông Giàng A Câu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, thông qua các lớp tập huấn, đến nay 100% hội viên nông dân tham gia trồng cây ăn quả đã thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thành thạo các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho từng loại cây, từng thời kỳ phát triển của cây; có nhiều kinh nghiệm và sáng tạo trong quá trình chăm sóc cây từ khi ra hoa đến thu hoạch và bảo quản trái cây. Điều đó khiến chất lượng và năng suất trái cây ngày càng tăng, sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng hơn.
Điển hình tại địa bàn xã Đại Minh, huyện Yên Bình, nơi phát triển vùng bưởi đặc sản tập trung với diện tích gần 800 ha, cho sản lượng bình quân ước đạt 15.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 250 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương được hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả, phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng chế phẩm sinh học Emina phun cho cây bưởi đặc sản.
Ông Tạ Quang Công, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình cho biết, nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực, ổn định đầu ra cho sản phẩm, số hộ trên địa bàn xã chuyển đổi diện tích đất sang trồng bưởi đặc sản ngày càng tăng. Sản phẩm bưởi đều được chứng nhận về sản xuất sạch, an toàn và đạt tiêu chuẩn 4 sao sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh. Hiện đã toàn xã có trên 3.000 nghìn hộ chuyên canh trồng bưởi, thu nhập chính từ cây bưởi, từ cây xóa đói giảm nghèo nay cây bưởi là cây làm giàu cho người dân.
Liên kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm
Bên cạnh chính sách hỗ trợ nhằm phát triển đa dạng các vùng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa, đảm bảo các tiêu chí sản xuất an toàn, hữu cơ, tỉnh Yên Bái đang tạo ra nhiều cơ chế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị bền vững giữa người trồng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, trong khâu thu hút đầu tư vào chế biến sau thu hoạch để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng của các loại hoa quả như: chế biến đóng hộp, làm mứt, hoa quả sấy…
Phát huy lợi thế của vùng đất thấp, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, huyện Lục Yên đã thử nghiệm thành công và nhân rộng mô hình phát triển cây ăn quả có múi, như: cam sành, cam V2, bưởi da xanh, bưởi Diễn, chanh, mít Thái... theo tiêu chuẩn VietGAP, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Đến nay nhiều vùng trồng cây ăn quả tập trung đã hình thành, toàn huyện đã trồng trên 1.000 ha, trong đó có khoảng 650 ha cho thu hoạch, sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 8.500 tấn, giúp nông dân thu về hàng chục tỷ đồng.
Ông Đinh Khắc Yên, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết, huyện đã mời gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực tham gia đầu tư, ưu tiên các doanh nghiệp tại địa phương thực hiện các dự án liên kết sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường cho người dân theo đúng hợp đồng đã ký. Đến nay đã hình thành nhiều mô hình liên kết với mức độ liên kết khác nhau, tiêu biểu là mô hình liên kết vùng sản xuất cam an toàn, tập trung, có diện tích gần 250 ha.
Nhờ có mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, hiện nay tại các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái đã hình thành được một số vùng cây ăn quả tập trung có nguồn gốc ôn đới, như: 350 ha mận xanh, 150 ha lê, 150 ha đào, tạo nguồn thu nhập cho người dân vùng cao gắn với chương trình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số mô hình trồng thử nghiệm giống cây ăn quả mới có giá trị cao, như hồng giòn, mận đỏ với diện tích hơn 200 ha, hứa hẹn sẽ trở thành các vùng cây ăn quả tập trung chất lượng cao trong tương lai.
Ông Sùng A Chua, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết, thông qua mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, công tác tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm trái cây, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm được doanh nghiệp triển khai sâu rộng, bài bản và hiệu quả hơn. Do đó, toàn bộ sản phẩm trái cây đến thời điểm thu hoạch được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, cung ứng cho các siêu thị lớn trong cả nước, tiến tới chế biến sâu khi sản lượng trái cây đủ lớn.
Khẳng định hướng phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian tới, ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh tiếp tục chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng vùng trồng cây ăn quả theo quy hoạch gắn với nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững nhằm phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường. Đồng thời, lập quỹ dự phòng hỗ trợ nông dân mất mùa, hỗ trợ chứng nhận an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.