Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga cho biết, thời gian qua, tại địa phương, tỷ lệ tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tương đối cao. Địa phương cũng đã xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cũng nhìn nhận, ý thức của nhiều ngư dân trên địa bàn về chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác chưa cao; việc kiểm tra, kiểm soát tàu xuất nhập bến chưa được duy trì thường xuyên; chủ tàu chưa quan tâm đến lợi ích của việc đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định… Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các ngành chức năng trong việc quản lý các tàu cá.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định có 2 cảng cá; trong đó, có 1 cảng cá loại I và 1 cảng cá loại III, có 3 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cấp tỉnh. Tỉnh Kiên Giang là một trong số các tỉnh, thành có đội tàu thuyền đánh bắt thuỷ hải sản xa bờ hay cập bến các cảng cá tại tỉnh Nam Định để bán hải sản, tiếp tế nhiên liệu, đồ ăn và tránh trú bão.
Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Phó Giám đốc Quảng Trọng Thao cho hay, Kiên Giang là một trong những tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước; trong đó, có nhiều tàu lớn chuyên khai thác, đánh bắt xa bờ. Mặc dù các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, song tình trạng vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU) ở vùng biển trong nước vẫn còn xảy ra.
Từ thực tế hoạt động nghề cá vẫn diễn ra phức tạp, khó quản lý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đề nghị, hai tỉnh cần tăng cường tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017, đặc biệt là các văn bản có liên quan đến quản lý tàu cá, công tác chống khai thác IUU về mức xử phạt của Việt Nam và các nước trong khu vực đối với hành vi khai thác bất hợp pháp… cho các chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá đến hoạt động khai thác thủy sản và neo đậu tại các cảng cá, bến cá thuộc quyền quản lý.
Hằng tháng, hai bên sẽ thống kê tình hình tàu cá khai thác IUU của mỗi tỉnh; tình hình, kết quả xác minh, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản IUU ở vùng biển nước ngoài; tình hình an ninh trật tự có liên quan đến tàu cá và ngư dân tại các cảng cá, khu neo đậu các vùng biển thuộc quyền quản lý; các vụ việc liên quan đến thiên tai, tai nạn trên biển, công tác tìm kiếm, cứu hộ trên biển.
Hai bên cùng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá xuất, nhập tại các trạm kiểm soát biên phòng, từ đó kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá không đủ giấy tờ, trang thiết bị, định biên về thuyền viên theo quy định, các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên) hoạt động ở vùng khơi.
Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất sớm tham mưu cho lãnh đạo UBND hai tỉnh ký kết biên bản, quy chế tăng cường kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác để cùng với các tỉnh, thành khác trên cả nước khắc phục các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu về chống khai thác IUU đối với thủy sản Việt Nam.