Rươi ở Hải Dương xuất hiện tại các vùng nước lợ ven sông Thái Bình, Văn Úc và Kinh Thày thuộc các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và Kinh Môn. Tuy nhiên, rươi được khai thác chủ động theo mùa vụ tại một số xã Tứ Xuyên, An Thanh, Quang Trung, Nguyên Giáp, Chí Minh (huyện Tứ Kỳ), xã Vĩnh Lập, Thanh Cường, Thanh Sơn, Thanh Xuân (huyện Thanh Hà), xã Đại Đức, Tam Kỳ (huyện Kim Thành), Đảo Ngọc – Minh Tân, Hiến Thành (thị xã Kinh Môn); trong đó, Tứ Kỳ là huyện có diện tích các vùng khai thác rươi lớn nhất và cũng nổi tiếng nhất với đặc sản rươi của tỉnh Hải Dương.
Chị Vũ Thị Duyên, thôn An Lao, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ cho biết, gia đình có diện tích khai thác rươi là 20 mẫu. Từ đầu vụ đến nay, gia đình đã khai thác được hơn 1 tấn rươi. Tuy rươi năm nay sản lượng không nhiều như năm ngoái nhưng giá lại cao hơn khoảng 40.000 đồng/kg, thương lái thu mua tại bãi với giá từ 380.000 đồng/kg đến 450.000 đồng/kg.
Theo ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, hiện xã An Thanh có 3 vùng khai thác rươi lớn với tổng diện tích là trên 137 ha, xã có diện tích khai thác rươi lớn nhất của tỉnh Hải Dương. Từ đầu vụ đến nay, người dân đã thu hoạch được 3 nước rươi với sản lượng khoảng 50 tấn với giá bán trung bình khoảng 400.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tá Điểm, Phó Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ chia sẻ, Tứ Kỳ hiện có diện tích khai thác rươi, cáy là 238,2 ha tập trung ở khu vực ngoài đê thuộc lưu vực sông Thái Bình và sông Luộc ở 6 xã; trong đó, nhiều nhất là An Thanh với 137,2 ha; Chí Minh với 58,4 ha, Quang Trung với 18 ha… Năng suất trung bình hàng năm ở các vùng khai thác rươi ước đạt khoảng trên 22 kg/sào (0,6 tấn/ha) vào các tháng 9, 10 và 11 (âm lịch).
Ngoài ra, nhân dân còn thu hoạch rươi vụ chiêm vào tháng 5, 6. Tuy nhiên, rươi vụ chiêm thường có năng suất thấp chỉ đạt khoảng 5% đến 10% so với thời điểm chính vụ. Bình quân người dân thu nhập khoảng 8 triệu đến 10 triệu đồng/sào/năm, cao hơn 7-8 lần, thậm chí có ruộng cao hơn 15 lần so với cấy lúa. Hiện các khu vực bảo tồn và khai thác rươi, cáy của Tứ Kỳ đang áp dụng quy trình cấy lúa hữu cơ một vụ chiêm, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Việc cấy lúa một vụ cũng tạo môi trường thuận lợi cho rươi phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn.
Để bảo tồn và khai thác rươi tự nhiên kết hợp với cấy lúa hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất cũng như mở ra tiềm năng du lịch sinh thái, Tứ Kỳ tiếp tục đầu tư phát triển, mở rộng diện tích bảo tồn và khai thác rươi tại các xã ven sông Thái Bình và sông Luộc. Hiện tỉnh Hải Dương đã đầu tư xây dựng cống Sồi qua đê sông Thái Bình và cống Lều Vịt qua đê sông Luộc trên địa bàn huyện Tứ Kỳ. Với 2 cống này sẽ mở rộng diện tích khai thác rươi phía trong đồng với diện tích 214ha tại xã An Thanh và 65ha tại xã Quang Trung.
Theo ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Thanh thì diện tích mở rộng phía trong đồng này đã xuất hiện rươi. Cùng với đó, các xã có tiềm năng diện tích đất bãi ven sông cũng tiếp tục khai thác rươi, cáy. Dự kiến, đến năm 2025, tổng diện tích khu vực bảo tồn và khai thác rươi, cáy kết hợp với cấy lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Tứ Kỳ sẽ đạt trên 550 ha.
Tương tự, được bao bọc bởi các sông lớn như Thái Bình, sông Rạng, sông Văn Úc, huyện Thanh Hà cũng là một vùng khai thác rươi nổi tiếng của Hải Dương với tổng diện tích trên 100 ha với năng suất trung bình thu hoạch khoảng 1 tấn/ha. Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện Thanh Hà đã xây dựng được 3 vùng khai thác rươi tập trung tập trung ở các xã Vĩnh Lập, Thanh Xuân và Thanh Sơn. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Hải Dương, huyện Thanh Hà cũng đã hỗ trợ trên 12 tỷ đồng để người dân xây dựng đường, công trình thủy lợi để thuận lợi cho việc khai thác, sơ chế rươi, cáy, cà ra ở các vùng khai thác tập trung này.
Cũng theo bà Hà, việc khai thác rươi không những chỉ tạo ra nguồn lợi kinh tế lớn mà còn bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven sông. Trong thời gian tới, huyện Thanh Hà tiếp tục hỗ trợ, định hướng trong việc quy hoạch các vùng khai thác rươi tập trung để tránh việc người dân khai thác ồ ạt, hạ cốt đất ven đê làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống đê, kè trên địa bàn.
Theo ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương), Hải Dương có khoảng 400 ha thu hoạch được rươi ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành, thị xã Kinh Môn, thành phố Chí Linh. Ở những nơi được khoanh vùng khai thác rươi, toàn bộ ruộng lúa canh tác và phần diện tích trên bờ trồng cây ăn quả đều chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng, tuyệt đối không dùng phân hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc vi sinh.
“Những người làm rươi ở các địa phương trong tỉnh luôn có ý thức cao trong việc tuân thủ kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái nên hiện nay có thể khẳng định chất lượng rươi ở Hải Dương rất tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Tình chia sẻ.
Rươi là một nguồn lợi thủy sản hoàn toàn tự nhiên có giá trị kinh tế cao mà không tốn kém nhiều về chi phí đầu tư. Tuy nhiên, đối tượng thủy sản này lại yêu cầu chất lượng nguồn nước và môi trường đất ruộng phải sạch, không hóa chất. Chính vì thế trong thời gian tới, theo đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản này, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã có định hướng một mặt tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho người dân mở rộng diện tích khai thác. Mặt khác, ngành tích cực tuyên truyền để người dân tuân thủ chặt chẽ quy định bảo đảm vệ sinh môi trường ở những ruộng rươi, đồng thời có biện pháp khai thác hợp lý các nguồn lợi thủy sản khác trên cùng khu vực sông.
Về phía người dân, bà Vũ Thị Duyên chia sẻ, do đặc trưng nguồn đất, nguồn nước nên con rươi của Hải Dương khác với các vùng khác như to hơn, nhiều bột hơn, thơm ngon hơn nên có giá bán ở ngoài thị trường cao hơn. Bà Duyên mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng và bảo vệ thương hiệu rươi, cáy Hải Dương tránh việc thương lái lợi dụng để trà trộn rươi Hải Dương với các vùng khác. Do các vùng khai thác rươi là vùng nước lợ, gần biển nên dễ bị xâm nhập mặn, Bà Duyên cũng đề nghị, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, lắp đặt máy đo độ mặn của nước ở các vùng khai thác rươi và thông báo kịp thời cho người dân khi nào nên tháo nước vào các cánh đồng rươi, tránh việc người dân tháo nước vào khi độ mặn cao khiến rươi bị vỡ, hỏng, mất hết bột.
Hiện sản phẩm rươi của Hải Dương đã được các thương lái thu mua, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước và đã có một số đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Năm 2016, sản phẩm rươi, cáy Tứ Kỳ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Năm 2019, sản phẩm rươi, cáy cấp đông Tứ Kỳ được tỉnh Hải Dương đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.