Công văn cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành tận dụng 5 ngày giãn cách này để thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; khẩn trương tách F0 ra khỏi cộng đồng, thiết lập và mở rộng các “vùng xanh”, tiến tới kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn. Sau ngày 20/9/2021, căn cứ vào mức độ nguy cơ và khả năng kiểm soát dịch trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.
Đối với huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phước, huyện Cái Bè, huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Tân Phú Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn từ 00 giờ ngày 16/9/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Chủ tịch UBND các địa phương nêu trên chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg trên địa bàn quản lý; trong đó, lưu ý các nội dung sau: Yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, quy định 5K, thông điệp 5T, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; không tập trung quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; chủ động khai báo y tế khi có các biểu hiện bệnh như ho, sốt,… với trạm y tế gần nhất. Người dân hạn chế tối đa việc ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, đi khám, chữa bệnh, đi lao động, sản xuất, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ không bị dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
Chủ tịch UBND các địa phương xem xét, quyết định việc hoạt động của các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu; các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu bao gồm: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, văn phòng phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu; dịch vụ giáo dục (dạy và học trực tuyến), khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ;…Kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát được xem xét hoạt động nhưng chỉ bán mang đi (không phục vụ ăn, uống tại chỗ), người bán phải thực hiện đúng quy định 5K, đeo khẩu trang và sử dụng tấm chắn giọt bắn (kể cả tiểu thương ở các chợ).
Người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện quy định không ra đường trong khoảng thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, trừ các trường hợp: Cấp cứu, đi mua thuốc trị bệnh. Các lực lượng thực hiện, phục vụ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng… thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường, đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.
Các cửa hàng xăng dầu thuộc Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng trực tiếp quản lý để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Các phương tiện vận chuyển từ địa phương khác đi ngang qua địa bàn tỉnh trên các tuyến Quốc lộ thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế nhưng không được dừng, đỗ. Sau 5 giờ đến trước 19 giờ (hằng ngày), việc ra đường của người dân vẫn thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 13/9, toàn tỉnh ghi nhận 12.366 trường hợp mắc COVID-19; trong đó, đã điều trị khỏi 8.774 trường hợp, có 304 trường hợp tử vong.
* Chiều 14/9, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ký và ban hành Quyết định số 1535/QĐ-UBND về việc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại huyện Đắk Mil.
Theo đó, tỉnh Đắk Nông thực hiện cách ly toàn xã hội từ 22 giờ ngày 14/9/2021 trên phạm vi toàn bộ huyện Đắk Mil đến khi có thông báo mới theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình; thôn, bon, buôn, tổ dân phố với thông, bon, buôn, tổ dân phố, xã cách ly với xã; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Tỉnh yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi thật cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy…; tạm dừng tất cả hoạt động công cộng, các cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông người, dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, buôn bán không thiết yếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ngành có liên quan phối hợp với UBND huyện Đắk Mil và ngành y tế triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch phù hợp với yêu cầu thực tiễn như: Điều tra truy vết thần tốc, khoanh vùng dịch tễ, lẫy mẫu xét nghiệm… lập các chốt, trạm kiểm soát dịch tại các đầu mối giao thông ở khu vực cửa ngõ liên huyện để cách ly y tế đảm bảo an ninh trật tự và phòng, chống dịch hiệu quả.
Trước đó, ngày 13/9/2021, huyện Đắk Mil đã phát hiện 1 gia đình (4 người) tại tổ dân phố 2, thị trấn Đắk Mil có triệu chứng sốt, mệt mỏi, tự mua thuốc để chữa bệnh. Gia đình này là hộ kinh doanh thu mua trái cây, khoảng 10 ngày trước có tiếp xúc với lái xe chở trái cây xuất bán về Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay trong ngày, huyện Đắk Mil đã phong tỏa các khu vực nghi ngờ, truy vết, xét nghiệm diện rộng và khử khuẩn môi trường tất cả khu vực có ca bệnh đi qua.
Tính đến thời điểm tối 14/9, tại huyện Đắk Mil đã ghi nhận 10 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã tăng cường 50 cán bộ để cùng lực lượng y tế huyện Đắk Mil phòng, chống dịch.
* Cũng trong chiều 14/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thống nhất: Từ 0h ngày 16/9, toàn tỉnh Sóc Trăng sẽ chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Đây là nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân Sóc Trăng trong việc nêu cao tinh thần phòng, chống dịch một cách quyết liệt cùng với cách làm hay và sáng tạo.
Theo Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng: Từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại cộng đồng vào ngày 4/7/2021 đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 1.014 ca nhiễm; trong đó đã điều trị khỏi và cho xuất viện 631 ca; số ca tử vong do các bệnh lý nền là 20 ca, còn đang điều trị 363 ca. Hiện tỉnh còn 2 địa phương tiếp tục xuất hiện những ổ dịch mới là: Thị xã Vĩnh Châu (phường 1, phường Vĩnh Phước, xã Vĩnh Tân), huyện Mỹ Xuyên (xã Đại Tâm).
Trong đợt dịch lần thứ 4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã ban hành quyết định thiết lập 50 vùng/khu vực cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19; đã kết thúc thời gian cách ly 41 khu vực; hiện còn 9 khu vực đang thực hiện cách ly y tế. Toàn tỉnh hiện đang sử dụng 57 cơ sở cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận 5.929 người; hiện đang cách ly tập trung 2.320 người; triển khai phương án Kiểm soát tình hình dịch COVID-19 tại các vùng nguy cơ của tỉnh Sóc Trăng, trong đó tổ chức xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại các vùng nguy cơ để sàng lọc phát hiện F0 đưa ra khỏi cộng đồng, quản lý, cách ly F1 để làm sạch cộng đồng.
Với những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, nhất là từ khi tỉnh thực hiện phân vùng nguy cơ theo các mức nguy cơ: vùng đỏ, cam, vàng, xanh, (từ 15/8 đến nay), tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh hiện chỉ còn 2 xã “vùng đỏ”, 4 xã “vùng vàng”, còn lại tất cả 103 xã, phường, thị trấn đều là “vùng xanh”. Đối với 2 xã “vùng đỏ” gồm xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên và xã Đại Hải, huyện Kế Sách, dự kiến sẽ đủ điều kiện chuyển sang “vùng cam” vào ngày 15/9.
Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, đạt được kết quả cao trong công tác phòng, chống dịch là nỗ lực lớn trong chỉ đạo điều hành, quản lý, thực hiện công tác phòng, chống dịch của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân Sóc Trăng. Tuy nhiên, để xanh hóa địa bàn tỉnh, Sóc Trăng vẫn cần phải giữ nguyên 4 tuyến chốt phòng dịch từ tỉnh, huyện, xã, ấp. Việc đi lại vẫn phải được kiểm soát; các huyện, thị xã, thành phố vẫn phải chia nhỏ địa bàn để quản lý, kiểm soát tốt dịch. Các phường, huyện, thị xã, thị trấn, thành phố cương quyết bảo vệ vùng xanh. Bên cạnh đó, vẫn cần nâng cao năng lực y tế, điều trị, xét nghiệm, hạn chế lây nhiễm chéo và quản lý chặt người dân ở nơi khác về địa bàn tỉnh…
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho rằng: Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đạt kết quả cao. Sóc Trăng được Chính phủ, Bộ Y tế xếp vào nhóm 1, nhóm kiểm soát dịch tốt. Thực tế, thời gian gần đây, số ca bệnh phát sinh giảm dần, có ngày không có ca mới, nhiều ngày không có chùm ca lây nhiễm mới, toàn tỉnh đã có gần 95% số xã ở mức xanh, đạt trạng thái bình thường mới. Cách làm sáng tạo, mới, hay của tỉnh sau khi áp dụng việc phân vùng quản lý phòng, chống dịch theo mức nguy cơ từ vùng đỏ giảm xuống vùng xanh đã góp phần rất lớn trong việc tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khôi phục, duy trì, phát triển sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa.
Dựa trên các tiêu chí, quy định của Bộ Y tế, đến nay, Sóc Trăng đã kiểm soát được dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới, Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất: Từ 0 giờ ngày 16/9 sẽ áp dụng thực hiện toàn chuyển trạng thái “bình thường mới” trên phạm vi toàn tỉnh. Như vậy, công tác phòng, chống dịch của tỉnh Sóc Trăng đã đi đúng hướng, thực hiện đạt các mục tiêu Chính phủ đưa ra là đến 15/9 khống chế được dịch.
Để giữ vững thành quả đạt được, thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đảm bảo yêu cầu bám sát tình hình dịch trên địa bàn, bảo vệ vùng xanh với phương châm chủ động tiến công; phòng ngừa tích cực, khoanh vùng, cách ly nhanh, xử lý quyết liệt nhưng cũng phải xử lý hài hòa với sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống dịch. Chính quyền, mặt trận đoàn thể các cấp tạo điều kiện cho người các điều kiện thiết yếu trong khu cách ly, khu phong tỏa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Cũng theo ông Lâm Văn Mẫn, các cấp ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mở rộng và bảo vệ vùng an toàn sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh. Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các sở, ban ngành, địa phương tiếp tục rà soát chỉ tiêu, nghị quyết năm 2021 để có phương án, kế hoạch, lộ trình từ nay đến cuối năm thực hiện đạt, gắn với yêu cầu an toàn phòng chống dịch; đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, tái khởi động các dự án lớn, thực hiện nhanh tiến độ xây dựng, đầu tư trên địa bàn, phấn đấu đến hết tháng 9/2021 giải ngân đạt trên 60% kế hoạch.
Các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần hỗ trợ kết nối cung cầu hàng nông sản cho người dân, doanh nghiệp. Ngành Y tế tiếp tục đánh giá kết quả, đảm bảo xét nghiệm nhanh hơn, hiệu quả hơn phù hợp với điều kiện của tỉnh và ngành giáo dục sớm tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt việc đón các cháu học sinh từ vùng dịch về, tổ chức việc dạy và học đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch…