Tỉnh Bình Thuận rất quan tâm đến phát triển khoa học - công nghệ và đội ngũ trí thức, thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách thu hút, tạo điều kiện cho trí thức làm việc, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển của tỉnh. Đội ngũ trí thức không ngừng lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng; tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhiều chương trình, dự án, đề án. Nhiều đề tài nghiên cứu được đội ngũ trí thức nghiên cứu, áp dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học, trí thức cùng trao đổi, đề xuất giải pháp, hiến kế để tỉnh phát được huy vai trò của đội ngũ tri thức cũng như giải quyết những vấn đề bức thiết trong quá trình xây dựng, phát triển tỉnh Bình Thuận.
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Xê nêu rõ: Có một thực trạng là người dân chưa thực sự hài lòng về thái độ phục vụ của một bộ phận công chức, viên chức nhà nước. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhưng thái độ phục vụ chưa được tương xứng. Một số công chức còn tư duy quản lý thay vì tư duy hỗ trợ, trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp nhằm hướng tới một chính quyền tương tác, kiến tạo và đồng hành cùng người dân.
Bên cạnh bày tỏ sự tin tưởng vào những giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch của tỉnh, nhất là giải pháp về “nút thắt” từ nhân tố con người, đại biểu Hồ Trung Phước cho rằng, Bình Thuận cần quan tâm đầu tư, phân bổ nguồn lực hơn nữa cho việc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, hạ tầng số. Ngoài ra, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh nên chú trọng yếu tố liên kết vùng, khu vực để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh trước những thời cơ mới.
Các đại biểu còn tham gia ý kiến, trao đổi một số nội dung như: Công tác xây dựng đảng; công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trí thức; phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong sự phát triển chung của tỉnh…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh, năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt những kết quả tương đối tốt. Trong thành tựu chung đó có vai trò đóng góp, hiến kế của đội ngũ trí thức và sự đồng lòng của người dân.
Trước những ý kiến liên quan đến nguồn lực con người, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, đây cũng là “điểm nghẽn” trong phát triển của tỉnh hiện nay. Thời gian qua, một số chỉ số như PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PAR Index (đánh giá cải cách hành chính), chỉ số SIPAS (dịch vụ hành chính công)… đều tụt hạng. Điều này là do yếu tố chủ quan từ con người. Thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn hệ thống chính trị nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý các cấp; tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm…
Tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận còn thông tin thêm một số nội dung như: Dự án phòng, chống lũ lụt, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với cải tạo môi trường sông Cà Ty; phương án bảo vệ, phát triển Hệ sinh thái khu vực công viên Hùng Vương-Phan Thiết; xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Phan Thiết…
Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, thời gian tới, đội ngũ trí thức trong tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa năng lực trong công tác, hiệu quả làm việc; tích cực tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội; nghiên cứu khoa học… góp phần tháo gỡ những vấn đề xã hội, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển địa phương.