Kon Tum khắc phục hậu quả cơn bão số 9

Chiều 2/11, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan nhằm sớm khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra, ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn, đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão, mưa lũ thời gian tới.

Chú thích ảnh
Ngành điện lực khẩn trương khắc phục mạng lưới điện bị hư hỏng. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Đến chiều 2/11, các con đường trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản đã được thông tuyến. Các địa phương đang cùng nhân dân chủ động dựng lại nhà cửa, giúp dân ổn định cuộc sống. Cùng đó, lưới điện 500kV, 220kV, 110kV trên địa bàn tỉnh vận hành bình thường, an toàn. Do ảnh hưởng bão số 9 tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh bị mất điện, hiện tại ngành điện vẫn đang nỗ lực để sớm đóng điện phục vụ nhân dân.

Phát biểu tại buổi họp, đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết, để sớm khắc phục thiệt hại của cơn bão số 9 cũng như chủ động đối phó với cơn bão số 10, 11, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tập trung nhiều nhóm công việc, trong đó, UBND các huyện, thành phố cần chủ động dùng kinh phí dự phòng làm lại nhà cho dân để đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, khi có bão lũ, các địa phương cần chủ động cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, giáo viên. Chính quyền các địa phương cần kiểm tra lại lực lượng tại chỗ để khi xảy ra sự cố, các đội xung kích, tình nguyện tại chỗ là lực lượng ứng phó nhanh nhất. Các xã chưa có lực lượng xung kích cần sớm xây dựng lực lượng này.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương thời gian tới cần tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh có trách nhiệm rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời; nhất là các tình huống bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... để chuẩn bị phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 10, 11.  Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; tăng cường dự báo, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là truyền thông cơ sở, thường xuyên liên tục cung cấp tình trạng diễn biến mưa lớn, ngập lụt, các phương án ứng phó để người dân biết, phối hợp với chính quyền địa phương chủ động phòng tránh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, cơn bão số 9 đã làm anh A Mon (27 tuổi) ở thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) đuối nước trên sông Pô Kô. Gần 2.100 nhà bị hư hại. Bão cũng làm hơn 6.200 ha hoa màu bị ảnh hưởng; toàn tỉnh có 17 công trình thủy lợi, 42 cầu bị hư hỏng. Lĩnh vực giao thông bị thiệt hại nặng, hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã bị sạt lở, gây tắc đường, sụt ta luy dương, ta luy âm... Ước tính, tổng thiệt hại do bão số 9 gây ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum là hơn 386 tỷ đồng.

Cao Nguyên (TTXVN)
Kon Tum tập trung phục hồi nông nghiệp sau bão số 9
Kon Tum tập trung phục hồi nông nghiệp sau bão số 9

Theo thống kê, sau cơn bão số 9, tỉnh Kon Tum có trên 4.400 ha diện tích lúa, hoa màu, cà phê, cao su và các loại cây trồng khác trên địa bàn bị ảnh hưởng. Ước tính tổng giá trị thiệt hại ban đầu khoảng 30 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN