Kiên Giang: Giải quyết 3 nhóm vấn đề nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

Ngày 28/5, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị phân tích cải cách hành chính (Par Index); sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); xanh cấp tỉnh (PGI); hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành phát biểu tại Hội nghị. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp với quyết tâm cao nhất, giai đọan 2023 - 2025, Kiên Giang tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề: "Cải cách hành chính"; "Công khai minh bạch"; "Trách nhiệm giải trình"; trong đó, cải cách thủ tục hành chính phải giải quyết đúng thời hạn, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Công khai minh bạch, phải đa dạng bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công khai lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng, đô thị; danh mục dự án thu hồi đất; các cơ quan, đơn vị, địa phương cần truyền tải thông tin, dữ liệu về Sở Thông tin và Truyền thông để cập nhật kho dữ liệu đảm bảo đầy đủ, công khai… Trách nhiệm giải trình là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cải cách hành chính, phải tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được kịp thời.

Song song đó, Kiên Giang tiếp tục hướng tới mục tiêu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 phải tăng điểm, tăng hạng và phấn đấu đạt số điểm cao và trở lại nhóm các tỉnh có thứ hạng khá của cả nước. Từ đó, làm tiền đề để tiếp tục phấn đấu lên nhóm các tỉnh được xếp hạng cao của cả nước trong giai đoạn đến năm 2025.

Để thực hiện đạt kết quả trên, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường tập trung triển khai và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao về cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường phối hợp để tạo sự đồng bộ trong việc tổ chức triển khai thực hiện việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính. Xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể để khắc phục và nâng cao các chỉ số có điểm số và thứ hạng thấp.

Tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa; tăng tối đa số thủ tục hành chính đưa vào giải quyết tại các trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa, nhất là các thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phản ánh còn nhiều phiền hà trong quá trình thực hiện

Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Kên Giang chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 73.377 tỷ đồng, vượt 0,68% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng 6,79% (kế hoạch 6,5%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 73,74 triệu đồng, tăng 3,85% kế hoạch.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. 

Kết quả điểm số và thứ hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh, tổng số đạt được 86,28/100 điểm (tăng 2,07 điểm, xếp hạng thứ 40/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2022 - đứng vị trí thứ 5/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long). Trong khi đó chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 84,39%, tăng 3,29% so với năm trước, hạng 17/63 so với cả nước, tăng 7 bậc và đứng thứ 3/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đạt 40,98/80 điểm, tăng 0,94 điểm so với năm trước, hạng 6/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Còn chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ đạt 62,15 điểm, giảm 0,09 điểm. Riêng chỉ số xanh cấp tỉnh đứng 13/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (chỉ đạt 19,35/40 điểm).

Tuy kết quả xếp hạng chỉ số số năng lực cạnh tranh chung của tỉnh năm 2023 chưa đạt được thứ hạng cao (40/63 tỉnh, thành - tăng 1 bậc so với năm 2022) và đứng vị trí thứ 5/13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng một số chỉ tiêu thành phần vẫn tăng điểm và tăng hạng tương đối cao (cải cách hành chính công hạng 14/63, tăng 39 bậc so năm trước; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tăng 32 bậc, hạng 19/63; công tác chỉ đạo, điều hành tăng 4 bậc, hạng 51/63 tỉnh thành).

Nguyên nhân chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa đạt thứ hạng cao của Kiên Giang phải kể đến trước hết do việc đánh giá của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình được tham gia khảo sát có lúc, có lĩnh vực chưa phản ánh đúng thực tế. Công tác phối hợp để thực hiện nâng cao chỉ số cải cách hành chính còn chưa tốt. Người đứng đầu một số ngành và địa phương từng lúc thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Công tác tuyên truyền cho người dân biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thiếu chiều sâu; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang chưa triển khai tích hợp tính năng số hóa hồ sơ nên cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện quét hồ sơ rất mất thời gian và thiếu thiết bị máy quét chuyên dùng...

Tin, ảnh: Lê Sen (TTXVN)
Sóc Trăng: Quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Sóc Trăng: Quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Ngày 29/3, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 27, đánh giá tình hình kinh tế quý I và đề ra phương hướng nhiệm vụ quý II/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN