Qua đó, phấn đấu điểm số PCI của tỉnh xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt” trên cả nước.
Theo ông Trương Văn Liếp, Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, đối với chỉ số gia nhập thị trường, ngành đang phối hợp cùng Ban quản lý Khu kinh tế, Trung tâm phục vụ hành chính công tổ chức niêm yết đầy đủ, công khai và thực hiện hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Từ đó, tỉnh rút ngắn thời gian và chi phí cho 3 doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, thủ tục đầu tư; tăng cường tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đầu tư; hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ thủ tục đăng ký hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đầu tư trực tuyến; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Cùng đó, thực hiện cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ, đảm bảo cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhanh chóng ngay sau khi nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài…
Đối với chỉ số tiếp cận đất đai, ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, đơn vị rà soát, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi, hiệu quả để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh…
Theo bà Nguyễn Hồng Mai, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An, về chỉ số đào tạo lao động, ngành sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề; nghiên cứu xây dựng phương án liên kết với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp có uy tín, nội dung, chương trình đào tạo phù hợp nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ đào tạo nghề; giới thiệu việc làm, gắn với việc kiểm tra chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Long An thường xuyên rà soát, đánh giá, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực đội ngũ giáo viên thuộc mạng lưới đào tạo nghề; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, tỉnh Long An phấn đấu điểm số PCI năm 2023 đạt 70,5 điểm, tăng 2,06 điểm; các chỉ số thành phần PCI năm sau không giảm điểm, giảm hạng so với năm trước.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã đổi mới tư duy, nghiên cứu, nắm vững nội dung các Chỉ số thành phần PCI, chủ động đề ra giải pháp thiết thực để cải thiện năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực quản lý trong năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại đơn vị, địa phương mình.
Năm 2022, Chỉ số PCI của tỉnh Long An thuộc nhóm tốt, đạt 68,45 điểm, tăng 1,87 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2021, đứng thứ 10 trên bảng xếp hạng PCI cả nước và đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua đánh giá của các ngành chức năng, tỉnh có 5/10 chỉ số tăng điểm, 5/10 chỉ số giảm điểm, trong đó, việc tiếp cận đất đai, tiếp cận thị trường, tiếp cận các FTA, đào tạo lao động vẫn đang là điểm nghẽn lớn, làm mất nhiều cơ hội thu hút đầu tư của tỉnh.
Nguyên nhân giảm điểm do có tính chủ quan và trong nhận thức, điều hành từ cấp huyện đến cấp xã vẫn chưa thực sự đầy đủ. Từ những chỉ số điểm thấp này, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các ngành liên quan phải đề ra những giải pháp, kế hoạch thực hiện cụ thể kéo các chỉ số tăng lên.