Trước thực tế này, ngành Kiểm lâm Lai Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ thuật đốt dọn nương và khuyến cáo bà con cẩn trọng khi đốt nương, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Ngay từ đầu mùa khô hanh 2020 - 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phòng cháy chứa cháy rừng mùa khô. Từ đó, xác định vùng trọng điểm cháy để các huyện có biện pháp, xây dựng phương án, tổ chức cho nhân dân, chủ rừng chủ động công tác phòng cháy chữa cháy.
Đặc biệt, từ đầu mùa khô năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra 5 vụ cháy rừng tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên. Để phòng chống cháy rừng, tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các huyện duy trì 40 chốt canh gác tạm thời và 15 chốt gác kiên cố tại cửa rừng thuộc các xã tiếp giáp với tỉnh Lào Cai để kiểm soát người ra, vào rừng, phát hiện kịp thời lửa rừng.
Ông Phạm Trung Tình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lai Châu cho biết: Mùa khô hanh thường kéo dài từ cuối năm trước cho đến tháng 4 - 5 năm sau, thời điểm này trùng với thời gian bà con đốt nương trồng cây, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng. Rút kinh nghiệm từ các vụ cháy rừng trước, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con đốt nương vào thời điểm phù hợp (buổi sáng trước 10 giờ, buổi chiều đốt sau 18 giờ) để đảm bảo an toàn khi đốt nương và phòng chống cháy rừng. Trước khi đốt nương phải thông báo để trưởng bản nắm tình hình và cử người theo dõi, giám sát.
Mường Tè là huyện vùng cao biên giới có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất của tỉnh Lai Châu với hơn 173.600 ha, chiếm 64,8%. Dọc theo Quốc lộ 4H từ thị trấn Mường Tè đến xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu), 2 bên đường thi thoảng lại xuất hiện những đám cháy to, nhỏ do đồng bào đốt nương để trồng ngô. Theo người dân nơi đây, bà con vẫn duy trì thói quen đốt nương rẫy vào thời điểm sau Tết Nguyên đán để kịp thu hoạch vào trước mùa mưa. Hầu hết, diện tích nương rẫy này đều giáp ranh với những cánh rừng phòng hộ.
Xác định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói chung, huyện Mường Tè nói riêng là do sơ suất của người dân khi đốt nương chưa đúng cách, gây cháy lan sang rừng, để chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm nay, các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp, tăng cường xuống cơ sở để kiểm soát hoạt động đốt nương của bà con.
Huyện Mường Tè xây dựng kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm thực tiễn hàng năm. Từ đó, rà soát những xã trọng điểm, trọng yếu của huyện thường xuyên xảy ra cháy rừng để xây dựng phương án chi tiết. Mặt khác, tuyên truyền sâu, rộng đến đồng bào các dân tộc nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tự giác ký hương ước, quy ước bảo vệ rừng, nhằm hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Ông Đao Văn Hân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè cho hay: Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng, đơn vị thường xuyên theo dõi thông tin, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kịp thời thông báo đến người dân nhằm giảm thiểu thiệt hại; nghiêm cấm việc đốt nương làm rẫy, đốt bãi chăn thả gia súc vào thời gian cao điểm từ trưa đến chiều và trong những ngày nắng nóng kéo dài. Khi đốt nương phải báo cáo thôn, bản, yêu cầu làm đường băng cản lửa và có người canh gác cho đến khi lửa tắt hẳn mới về.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống cháy rừng, trong năm 2020, huyện Mường Tè đã tổ chức tuyên truyền tại hơn 240 cuộc họp bản, khu phố với trên 17.500 lượt người tham gia. Các xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp cơ sở với gần 400 thành viên và duy trì hơn 100 tổ chuyên trách bảo vệ, phát triển rừng tại các bản, khu phố, ký cam kết với hơn 8.000 người.
Nhờ triển khai quyết liệt, linh hoạt các giải pháp phòng chống cháy rừng, các cấp cơ sở đã nghiêm túc thực hiện, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Ông Vàng Văn Trung, Phó Chủ tịch xã Bum Nưa, huyện Mường Tè chia sẻ: Xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, thời gian qua xã đã thành lập 7 tổ chuyên trách bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại 7 bản với 699 thành viên tham gia. Các tổ chuyên trách thường xuyên tuần tra, kiểm tra các vị trí có nguy cơ xảy ra cháy cao. Mặt khác, tổ chức tuyên truyền cho trên 1.500 người dân tham gia về kỹ thuật đốt nương đúng cách, qua đó hơn 700 người ký cam kết.
Ông Tống Văn Thinh, Chủ tịch UBND xã Mường Tè cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, xã đã xây dựng kế hoạch phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng; đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con bằng nhiều hình thức như: qua loa phát thanh của bản, qua các buổi hội nghị, họp bản, họp dân. Cùng đó, tuyên truyền để đồng bào trước khi đốt nương phải báo cho trưởng bản và đăng ký thời gian, thời điểm đốt; trong thời gian đốt nương phải có người canh gác để không bị cháy lan sang rừng. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, xã Mường Tè không xảy ra vụ cháy rừng nào do đốt nương rẫy.
Nhờ chủ động triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác phòng chống cháy rừng, huyện biên giới Mường Tè đã giảm cả số vụ cháy và diện tích rừng bị thiệt hại, góp phần giữ màu xanh cho những cách rừng và nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%.