Huyện Bình Liêu có 7 đơn vị hành chính gồm 6 xã và 1 thị trấn; diện tích tự nhiên 470,76km2; dân số 33.386 người; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 96% chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ...
Năm 2010, thời điểm huyện Bình Liêu bắt đầu xây dựng nông thôn mới, gần như 100% số xã trên địa bàn huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 1 triệu đồng/tháng, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đến 60%... so với bộ tiêu chí nông thôn mới, thì khi ấy toàn huyện mới chỉ đạt 2,6/19 tiêu chí, 9,8/39 chỉ tiêu.
Sau 13 năm Bình Liêu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống, diện mạo, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 69,2 triệu đồng/ người/ năm.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, toàn huyện có 419,8 km đường giao thông; trong đó, đường huyện có 101,68km; đường xã có 83,74km; đường thôn có 121,95km; đường ngõ xóm có 76,81km; đường nội đồng 46,99km. Hệ thống đường trên địa bàn huyện được bê tông, nhựa hóa đạt 100%; khu vực đông dân cư được chiếu sáng, trồng cây xanh, cây hoa; hệ thống đảm bảo an toàn giao thông được đầu tư đồng bộ, khu vực trung tâm các xã, thị trấn được đầu tư vườn hoa, tiểu cảnh, cây xanh…
Chủ tịch UBND huyện Phạm Đức Thắng cho biết, theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ban hành theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Bình Liêu đạt tất cả các chỉ tiêu, tiêu chí, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí còn chạm mức nông thôn mới nâng cao.
Tại lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính Phủ công nhận huyện Tiên Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, khẳng định, huyện Tiên Yên bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất pháp điểm thấp, với 4 xã và 18 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,9%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm. Song với sự vào cuộc quyết liệt, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến xã, tới từng thôn, bản và mỗi người dân, huyện Tiên Yên đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt trên 16,2%/năm, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 toàn huyện đạt trên đạt 76,92 triệu đồng/người, riêng khu vực nông thôn đạt 74,02 triệu đồng/người, tăng 1,45 lần so với năm 2019 khi huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo Trung ương.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Tiên Yên cần đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; chú trọng cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, chăn nuôi; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, công nghiệp chế biến chuyên sâu; phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Cùng với đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, xây dựng huyện Tiên Yên là địa phương điển hình của khu vực miền Đông trong Nghị quyết số 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững".