Đầm Hà là huyện đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Ngày 23/2, Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) tổ chức lễ đón nhận huyện Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và lễ hội đình Đầm Hà là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chú thích ảnh
Huyện Đầm Hà được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng "Nông thôn mới", Đảng bộ, chính quyền huyện Đầm Hà đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các Nghị quyết, Đề án, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, trong đó xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là tiền đề, động lực để hiện thực hóa mục tiêu làm cho đời sống nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn, xây dựng huyện Đầm Hà ngày càng phát triển giàu mạnh.

Sau hơn 10 năm kiên trì, nỗ lực bền bỉ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà có cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và ngày càng hiện đại, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ rệt; tiềm năng, lợi thế phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội được định hình rõ nét; hình thành các vùng sản xuất tập trung, theo hướng ứng dụng công nghệ cao và 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản và chăn nuôi.

Hiện nay, Đầm Hà là huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh cung cấp giống tôm sạch bệnh và giống cá biển, giống nhuyễn thể ứng dụng công nghệ cao cho thị trường các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân  dân không ngừng được nâng cao, huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí Quốc gia. Đến hết năm 2022, huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đầm Hà vinh dự là huyện đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trên địa bàn huyện Đầm Hà hiện có 8 di tích được kiểm kê và xếp hạng, có 3 nghệ nhân dân gian, có 17 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 5 loại hình tập quán xã hội đã được kiểm kê để lập hồ sơ đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của tỉnh; huyện có 02 lễ hội truyền thống: Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Tràng Y và một số lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số.

Lễ hội đình Đầm Hà giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp những nét độc đáo của diễn xướng dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình của cư dân ven biển.

Lễ hội đình Đầm Hà đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc huyện Đầm Hà. Trên cơ sở đề nghị của huyện Đầm Hà và tỉnh Quảng Ninh, ngày 10/11/2023, "Lễ hội đình Đầm Hà" đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh là một trong 36 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bí thư Huyện ủy Đầm Hà Đỗ Thị Ninh Hường nhấn mạnh, Đầm Hà sẽ tiếp tục thực hành các nghi lễ truyền thống một cách văn minh, phục vụ tốt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, Đầm Hà sẽ tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ truyền dạy, quảng bá di sản đến đông đảo nhân dân và du khách, tạo không gian văn hóa đặc sắc, gắn với giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh, đất nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Văn Đức (TTXVN)
Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu có 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Năm 2024, thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN