Huyện biên giới Phong Thổ khai thác tiềm năng du lịch

Phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển thương mại dịch vụ, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng.

Chú thích ảnh
Lễ hội Then Kin Pang ở Phong Thổ thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. 

Từ đó, các sản phẩm du lịch của huyện từng bước được hình thành, các khu, điểm du lịch sinh thái, văn hóa được đầu tư xây dựng. Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút đông đảo du khách tới thăm quan, trải nghiệm, góp phần tăng doanh thu từ du lịch, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

Là huyện biên giới của tỉnh Lai Châu, Phong Thổ được thiên nhiên ưu đãi phong cảnh hoang sơ, hùng vỹ, khí hậu mát mẻ, trong lành cùng với cái nôi văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái trắng. Huyện được biết đến với nhiều điểm ấn tượng, mang nét riêng biệt của vùng cao Tây Bắc. Đặc biệt, những khu di tích gắn liền với lịch sử như Đền thờ Nàng Han, hang kháng chiến Nà Củng, Di tích cấp Quốc gia Di chỉ khảo cổ Nậm Tun (xã Mường So).

Đánh thức những lợi thế đó, Phong Thổ xác định phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi lâu dài cho ngành công nghiệp “không khói” nơi vùng biên. Để làm được điều này, huyện đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch, quan tâm, tạo điều kiện cho người dân học hỏi kinh nghiệm làm du lịch từ các tỉnh lân cận. Mặt khác, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua việc phát hành tờ gấp, thường xuyên đăng tải hình ảnh các điểm du lịch trên trang thông tin điện tử của huyện, các trang mạng xã hội.

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, từ tháng 10/2021, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, UBND huyện chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa du lịch đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả và phù hợp với tình hình.

Xã Sin Suối Hồ và điểm du lịch cộng đồng bản Vàng Pheo (xã Mường So) là hai trong số những điểm đến được nhiều du khách ghé thăm. Ngoài sức hút vốn có về cảnh quan, khí hậu, con người, cấp ủy chính quyền địa phương và người dân địa phương còn biết cách tự làm mới mình, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách như: phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ; duy trì hoạt động của các đội văn nghệ, cải tạo cảnh quan, giữ môi trường sạch đẹp, cung ứng những sản phẩm du lịch đặc sắc và làm quà tặng sau mỗi chuyến đi.

Chị Trần Thị Huyền du khách đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ, lần đầu tiên chị đến xã Sin Suối Hồ. Chị rất thích phong cảnh ở đây, người dân gần gũi, thân thiện, mến khách, mang đậm nét mộc mạc, chân chất của người Mông. Đặc biệt, họ vẫn giữ được các nghề truyền thống, phong tục trong sinh hoạt hàng ngày.

Chú thích ảnh
Du khách thích thú khi tham quan, mua sắm tại chợ phiên Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ). 

Du khách còn có thể ghé thăm chợ phiên Dào San, vùng chè cổ thụ Mồ Sì San, đồi tình yêu (xã Hoang Thèn), bản Tô Y Phìn xã Lản Nhì Thàng… Thị trấn Phong Thổ xây dựng các điểm chụp ảnh hấp dẫn từ những cánh đồng hoa hướng dương, tam giác mạch... Từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022, các cánh đồng hoa đã đón rất đông khách tới tham quan, chụp ảnh. Đường điện thắp sáng đường vào thôn, bản đã được đầu tư và trồng 120 cây ban nhằm tạo cảnh quan, hấp dẫn du khách.

Đến với Phong Thổ, du khách có thể tham gia các tuyến du lịch nội tỉnh, tuyến du lịch quốc tế từ Lai Châu - Ma Lù Thàng - Kim Bình - Mông Tự - Côn Minh (Trung Quốc). Dịch vụ lưu trú với một khách sạn, 6 nhà nghỉ, một hợp tác xã và 20 homestay phục vụ du khách. Dịch vụ ẩm thực phong phú với 8 nhà hàng và các dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc, chụp ảnh lưu niệm, bán trang phục, đồ lưu niệm, đồ thủ công... mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn.

Qua thống kê, mỗi năm, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Phong Thổ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, trong đó không ít khách nước ngoài. Nhờ vậy, nâng tổng lượt khách đến Phong Thổ trong năm 2021 lên 20.000 lượt, doanh thu từ du lịch đạt gần 15 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 300 người lao động có thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết thêm, thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển du lịch tại các điểm đang khai thác, các điểm có tiềm năng chưa được công nhận và một số điểm mới được đầu tư như đường đá cổ Pavi (xã Sin Suối Hồ), Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (xã Sin Suối Hồ), suối nước nóng Vàng Bó (thị trấn Phong Thổ)... Phát triển du lịch cộng đồng của huyện xoay quanh hoạt động trải nghiệm, khám phá.

Một điểm mới trong cách làm du lịch của huyện là kết nối hình thành những tuyến du lịch nội huyện. Du khách có thể lựa chọn du lịch trải nghiệm tại xã Sin Suối Hồ để tham quan thác trái tim, thác tình yêu, trải nghiệm leo núi Sơn Bạc Mây, khám phá cung đường đá cổ Pavi tại bản Sàng Mà Pho; tuyến du lịch Lản Nhì Thàng - Hoang Thèn - Cửa khẩu Ma Lù Thàng hay tuyến Mường So - Dào San - Mồ Sì San; tuyến Sin Suối Hồ - thị trấn Phong Thổ - Mường So để tắm suối nước nóng Vàng Bó...

Bài và ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)
Báo chí đã tuyên truyền hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc vươn lên xóa đói giảm nghèo
Báo chí đã tuyên truyền hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc vươn lên xóa đói giảm nghèo

Sáng 11/1, Ủy ban Dân tộc đã tổng kết thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 - 2021 và triển khai nhiệm vụ những năm tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN