Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Qua 3 năm thực hiện Đề án này, bức tranh nông nghiệp, nông thôn ở Hòa Bình đã có nhiều điểm sáng.
Ngành nông nghiệp đã chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung.
Nhờ đó, giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác trồng trọt tăng dần (năm 2021 là 135 triệu đồng/ha, đến năm 2023 là khoảng 185 triệu đồng/ha); giá trị sản phẩm chủ lực trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2024 bình quân đạt 220 triệu đồng/ha.
Toàn tỉnh hiện có 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt, quy mô từ 300-3.000 con, với tổng số 20.700 con lợn nái, cung cấp khoảng 207.000 con giống/lứa, 517.500 con giống/năm, 44.680 con lợn thịt và hậu bị, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.042 tấn/năm; 3 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159 quy mô 500-7000 con bò thịt và bò cái sinh sản, số con xuất chuồng là 12.750 con/năm, với sản lượng thịt hơi 7.018 tấn; 71 trang trại chăn nuôi gia cầm (59 trang trại chăn nuôi gia cầm thương phẩm quy mô lớn từ 3.000 - 50.000 con/chuồng/lứa sản xuất được 2.484.000 con/ năm, với sản lượng thịt hơi khoảng 27.500 tấn/năm; 7 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô 5.000-70.000 con sản xuất được hơn 24 triệu quả trứng/năm; 5 cơ sở chăn nuôi gà giống quy mô từ 10.000-170.000 con, cung cấp khoảng 25 triệu con gà giống/năm và 16,8 triệu quả trứng giống/năm).
Tỉnh đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng và kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi, thủy điện Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hiện có 2.693 ha và 4.890 lồng cá nuôi; sản lượng thủy sản bình quân đạt 12.170 tấn/năm; giá trị sản phẩm trung bình trên diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 220 triệu đồng/ha, trong đó nhóm sản phẩm đặc sản (cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen...) đạt trên 250 triệu đồng/ha; có 9 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên.
Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực, thì hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm cũng được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng và tăng giá trị của nông sản trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có có 638 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản, với sản lượng trung bình đạt 43.286,47 tấn, đạt 17,74% so với tổng sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên toàn tỉnh, trong đó có 42 cơ sở sơ chế, chế biến có nguồn gốc thực vật, 591 cơ sở sơ chế, chế biến có nguồn gốc động vật, 149 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến lâm sản và 5 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản.
Cùng với phát triển kinh tế, người nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn…
Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng ổn định, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.