Bước đầu, các mô hình này đã có hiệu quả thiết thực, thu hút đông người dân tham gia, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Tạo thói quen của người dân
Từ thực trạng cán bộ, hội viên và người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều trong khi công tác thu gom, phân loại xử lý còn hạn chế, năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Ninh Bình chọn xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) là đơn vị thực hiện điểm mô hình “Phân loại và xử lý rác thải bằng men vi sinh bản địa”.
Sau khi triển khai, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Thành đã thành lập tổ công tác chỉ đạo mô hình, tổ chức hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức, tạo thói quen của người dân về phân loại rác thải tại nguồn và thực hiện xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh IMO cho hội viên, phụ nữ. Sau 2 năm thực hiện, 91% hộ sử dụng chế phẩm vi sinh IMO trong sinh hoạt và sản xuất, lượng rác thải so với trước khi triển khai mô hình giảm gần 70% và giảm 50% chi phí mua phân vô cơ, giảm sâu bệnh cho cây trồng.
Hiệu quả bước đầu của mô hình đã được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Chị Phạm Thị Luân (xã Khánh Thành) chia sẻ: “Sau khi được hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh IMO, gia đình tôi đã biến những loại rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng. Tôi thấy rất hữu ích đối với người dân vì không chỉ hạn chế lượng rác thải ra môi trường mà còn dùng sản phẩm này phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững”.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Thành Hoàng Thị Tuyết: Đến nay, 94/124 hộ trong xóm đã tham gia mô hình và dự trữ IMO để sử dụng hàng ngày với tổng số gần 3.000 lít men nước, hơn 1.200 kg men khô. Hàng chục hộ gia đình đã đào hố xử lý rác hữu cơ trong vườn. Các hộ còn lại sau khi ngâm ủ rác đã bỏ trực tiếp vào gốc cây để rác phân hủy thành phân bón cho cây trồng…
Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình để tích cực góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tham gia bảo vệ môi trường và nâng cao hơn nữa thành quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã.
Góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới
Xã Yên Thái, huyện Yên Mô hiện có 13 mô hình thu gom rác thải do các thôn, xóm đảm nhận, việc thu gom rác được thực hiện định kỳ 7 ngày/lần. Tuy nhiên, rác thải trong sản xuất, sinh hoạt phát sinh rất lớn, khoảng cách giữa các lần thu gom khá dài, lại không có các thùng chứa rác chung nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan nông thôn.
Trước thực tế đó, năm 2021, được sự hỗ trợ của Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Hội Nông dân Việt Nam), Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng thành công dự án mô hình điểm “Nông dân thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Thái.
Sau khi triển khai, mô hình đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng bởi phương pháp dễ làm, chi phí thấp, đồng thời giúp các hộ hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn, góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, giúp cây trồng phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Ông Hoàng Ngọc Chinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình cho biết, từ mô hình ban đầu triển khai ở xã Yên Thái, đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã nhân rộng ra nhiều địa phương khác như: xã Yên Quang (huyện Nho Quan), xã Gia Thịnh, Gia Hưng (huyện Gia Viễn), xã Ninh Hải, Ninh Xuân (huyện Hoa Lư)... với sự tham gia của hàng nghìn hộ nông dân. Hội kỳ vọng, mô hình này sẽ tạo ra tính lan tỏa, từng bước xây dựng lối sống thân thiện với môi tường, giữ gìn vệ sinh trong hội viên, nhân dân, tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, hài hòa với thiên nhiên.
Hiện nay, tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh lên đến hàng trăm tấn/ngày. Nhận thức được nguy cơ ô nhiễm môi trường nông thôn tăng lên, tỉnh đã huy động các nguồn lực để thực hiện hóa Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt khoảng 85%; 100% các thôn, xóm có tổ thu gom rác thải sinh hoạt; xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải tại các khu dân cư, các trục đường giao thông, các bãi rác cũ và chấm dứt xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp nhỏ lẻ trước năm 2025.
Các cấp, ngành tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nâng cao kiến thức, thay đổi thói quen nhằm bảo vệ môi trường như triển khai phong trào "Chống rác thải nhựa", thực hiện Đề án "Thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh", xây dựng mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp"; duy trì, nhân rộng các hoạt động ngày "Thứ Bảy xanh", ngày "Chủ nhật sạch"… Đặc biệt là triển khai và nhân rộng các mô hình phân loại và xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình.
Để các mô hình này hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về tác hại của rác thải đối với môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, vận động người dân tích cực tham gia hưởng ứng việc phân loại, xử lý rác thải ngay tại gia đình và địa bàn dân cư bằng men vi sinh...