Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân về khắc phục hậu quả của bão số 3 (Yagi).
Ông Lê Anh Quân cũng yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian sau bão số 3.
Theo Sở Công Thương Hải Phòng, đối với công tác chỉ đạo dự trữ, cung ứng hàng hóa khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Sở đã ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo hệ thống các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn khẩn trương khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại đơn vị, đảm bảo duy trì cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, LPG, dịch vụ điện, nước… để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu. Cùng đó, khẩn trương rà soát, thống kê, tổng hợp thiệt hại tại các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn (hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu…) sau cơn bão số 3; các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị (nếu có).
Sở Giao Thông vận tải, Công an thành phố phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa, nhiên liệu xăng dầu phục vụ nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, Giám đốc Sở Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố do đồng Phó Giám đốc Sở phụ trách lĩnh vực Thương mại làm Tổ trưởng.
Tại Hải Phòng, tính đến ngày 12/9, gần 250 cửa hàng xăng dầu đã hoạt động trở lại (trừ cửa hàng xăng dầu VIPCO đã báo cáo và được Sở Công Thương đồng ý, cho phép tạm dừng sửa chữa đến hết ngày 12/9/2024). Giá mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh vào ngày thứ 5 hàng tuần và không có hiện tượng tăng giá bán, găm hàng, sốt giá cục bộ.
Cùng đó, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng đứt gẫy chuỗi cung ứng, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Trong ngày 12/9, lượng khách mua sắm tăng từ 10-20%, lượng hàng bán ra tăng từ 20-30% so với ngày thường (đã giảm so với lượng khách và lượng hàng bán ra ngày hôm 11/9).
Quan sát thực tế tại các trung tâm thương mại, siêu thị như: Aeon Mall Lê Chân, MM Mega Market Hồng Bàng, GO Hải Phòng.., tất cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các loại rau củ quả, sữa, đường, dầu ăn…, đều được các đơn vị chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đến các trung tâm mua sắm, siêu thị này khách hàng không chỉ yên tâm về chất lượng mà luôn được mua hàng hóa với giá bình ổn cùng những chương trình khuyến mãi giảm giá mỗi ngày.
Theo các đơn vị này, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND thành phố Hải Phòng, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố đảm bảo hàng hóa trước, trong và sau bão, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động nguồn hàng cung ứng và dự trữ (hàng hóa cung ứng tăng 80-100%). Do đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Đối với hệ thống chợ, Sở Công Thương Hải Phòng cho biết: Tính đến ngày 12/9, hầu hết các chợ trên địa bàn đã hoạt động trở lại; giá cả hàng hóa tại các chợ tăng ở hầu hết các mặt hàng thiết yếu: gạo, mỳ, lương khô, bún miến, bánh đa tăng từ 2-5%, dầu ăn, đường sữa, trứng tăng 3-6%, các mặt hàng rau xanh, rau củ tăng từ 15-20%; các mặt hàng thịt, hải sản tăng từ 8-15%.
Lượng hàng hóa tại chợ đầu mối tập trung chủ yếu là các mặt hàng rau, củ với số lượng từ 120-150 tấn, các mặt hàng hoa quả 30-40 tấn, tuy nhiên, sức tiêu thụ các mặt hàng rau củ lớn, chỉ sau vài giờ, lượng hàng đã được phân phối đi các địa phương, quận, huyện, còn đối với mặt hàng hoa quả sản lượng bán thấp, do sức mua chậm.
Chị Nguyễn Thị Hồng, ở phường Đằng Lâm, quận Hải An chia sẻ, chiều 12/9 chị đi chợ Đồng Quốc Bình (phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền) để mua thực phẩm cho gia đình, tại đây các mặt hàng thiết yếu dồi dào và tăng nhẹ, riêng mặt hàng củ quả, rau xanh là "cháy hàng". Chị Hồng mua một mớ rau muống với giá 20.000 đồng, giá này đã "hạ nhiệt" so với mấy hôm trước từ 10-30%, tuy nhiên chất lượng rau không được tươi ngon do ảnh hưởng của bão số 3.