Đây là kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã nêu rõ tại Kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra ngày 18/7.
Nửa đầu năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng 11,10% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 11,84% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 53.969 tỷ đồng, tăng 18,53% so với cùng kỳ, bằng 51,09% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao. Với số thu ngân sách nhà nước này, Hải Phòng đã vượt lên đứng thứ ba, sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 75.368 tỷ đồng, tăng 2,56% so với cùng kỳ, bằng 37,68% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,17 tỷ USD, tăng 9,12% so với cùng kỳ, bằng 42,48% kế hoạch năm. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 70,79 triệu tấn, tăng 7,87% so với cùng kỳ, bằng 42,14% kế hoạch năm.
Số lượng khách du lịch ước đạt trên 3.013 nghìn lượt, tăng 27,69% so với cùng kỳ, bằng 66,53% kế hoạch năm. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI tính đến 30/6/2022, thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 1.099 triệu USD, bằng 88,44% so với cùng kỳ, đạt 43,98% kế hoạch năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Hội nghị Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố trong 6 tháng cuối năm 2022.
Thành phố thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả chủ đề năm “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.
Cùng đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực tăng trưởng kinh tế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án lớn, trọng điểm của thành phố.
Về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố có 4 huyện: Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng, Thủy Nguyên đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua và đang hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận huyện chuẩn nông thôn mới.
Hải Phòng cũng đã khởi công một số công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện mạnh mẽ; chỉ số cải cách hành chính (PAR) lần đầu tiên Hải Phòng bứt phá lên vị trí đứng đầu cả nước...