Hà Giang tìm đầu ra vững chắc cho nông sản địa phương

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chỉ đạo huyện Xín Mần (Hà Giang) đã triển khai quyết liệt từ huyện đến cơ sở việc tuyên truyền đến người dân về chương trình cải tạo vườn tạp, qua đó giúp người dân tăng thêm thu nhập, thay đổi tư duy về trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với điều kiện địa phương.

Chú thích ảnh
Người dân thu hoạch tại khu vườn đã được cải tạo.

Là huyện thuộc vùng núi đất phía Tây của tỉnh Hà Giang, điều kiện địa hình, giao thông, kinh tế - xã hội của huyện Xín Mần còn tương đối khó khăn. Nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân, các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, những quyết định, đề án của tỉnh đã đi vào cuộc sống, giúp người dân tăng thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Theo ông Lý Quốc Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Xín Mần, Hà Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết 05- NQ/TU của Tỉnh uỷ về cải tạo vườn tạp, huyện đã tích cực thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp ở cả 18 xã, thị trấn, tập trung vào cải tạo vườn rau dĩnh dưỡng, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, thuỷ sản, tập trung vào các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ trung bình trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn đã thực hiện được trên 1.800 hộ. Qua đánh giá của ngành, chương trình cải tạo vườn tạp rất sát với thực tế, hiệu quả, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng kinh tế cho người dân.

Việc triển khai thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, xây dựng các vườn mẫu, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động, ổn định đời sống xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.  

Tuy nhiên, để chương trình được thực hiện bài bản, lâu dài, ổn định, thì vấn đề đầu ra của sản phẩm nông sản là việc hết sức quan trọng. Theo ông Lý Quốc Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Xín Mần cho biết, để thực hiện hiệu quả, thúc đẩy hiệu quả chương trình, ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện liên kết, ký kết với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp thực hiện các chương trình liên kết để bao tiêu, thu mua nông sản cho bà con. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các nhà trường thu mua rau để phục vụ các bếp ăn tập thể.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Xín Mần, sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, Ban Chỉ đạo cải tạo vườn tạp huyện đã giao cho UBND huyện liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các thương nhân như: Công ty Vietnam misaki tổ chức phối hợp với các hộ cải tạo vườn tạp trồng 8.5 ha giống bắp cải, cải canh, rau súp lơ, cà rốt trái vụ và mở rộng trồng kiệu, củ cải, gừng trâu ra các hộ cải tạo vườn tạp tạo vùng nguyên liệu cho công ty xuất khẩu sang Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Người dân thu hoạch tại khu vườn đã được cải tạo.

Công ty cổ phần Nông nghiệp tốt - Phú Thọ tổ chức trồng mở rộng 7 ha bắp cải, súp lơ, cải thảo, cà chua, cà rốt cho các hộ tham gia cải tạo vườn tạp gắn với nông thôn mới liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhân dân tạo chuỗi liên kết cho công ty tiêu thụ tại các siêu thị ở thành phố Hà Nội, đồng thời tuyên truyền vận động các thương nhân, trường học, nhà hàng liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động liên kết với các công ty, hợp tác xã, các đơn vị trường học, thương nhân trên địa bàn tiêu thụ cho nhân dân….

Cùng với đó là nhiều mô hình liên kết đã và đang được triển khai như: Mô hình liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp tốt trồng rau hữu cơ cải bắp, su hào, cải canh, su su tại xã Xín Mần, xã Nàn Ma quy mô 5 ha; Mô hình liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành chăn nuôi dê lai Bore thương phầm quy mô 1.190 con/474 hộ/16 xã; Mô hình liên kết nuôi cá nước lạnh của Hợp tác xã Vạn Lộc liên kết với 10 hộ dân/2 xã Nấm Dẩn và Quảng Nguyên...

Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát, sự vào cuộc tham gia hưởng ứng của nhân dân và sự chung tay ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân. Việc cải tạo vườn tạp là phát triển kinh tế hộ dân trong nông thôn, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. Đồng thời, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, giúp người sản xuất được tiếp cận với các loại giống cây trồng, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được ứng dụng vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và nâng cao được thu nhập cho nhân dân.

Tin, ảnh: Nam Thái (TTXVN)
Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam – Trung Quốc bền vững
Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam – Trung Quốc bền vững

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc chỉ giảm rất nhẹ 0,01% trong bối cảnh xuất khẩu toàn ngành vẫn giảm mạnh ở mức hai con số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN