Phát triển du lịch và nông nghiệp là một trong ba bước đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của Đại hội đề ra, cuối năm 2020, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 1/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của Nghị quyết đề ra nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế vườn hộ, thay đổi tư duy nhận thức của người dân về trồng trọt, chăn nuôi theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là giống và quy trình sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, phù hợp từng vùng để phát triển kinh tế vườn hộ. Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, tạo thu nhập khá cho trên 6.500 hộ tương ứng với trên 6.500 vườn.
Theo đó, Hà Giang sẽ hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất 0%. Điều kiện để được vay vốn là các chủ vườn phải có hồ sơ cải tạo và được xã, thôn xác nhận. Đặc biệt, hộ vay vốn phải cam kết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào một hoặc nhiều khâu như sản xuất, thu hoạch, chế biến… Sản phẩm phải đảm bảo an toàn thực phẩm và các nội dung cải tạo đã quy định. Vườn cải tạo phải đảm bảo quy mô lần lượt từ 100 - 300 m2/vườn trở lên, tùy thuộc vào thực tế địa hình của các huyện vùng thấp, phía Tây và vùng cao phía Bắc.
Năm 2021, chương trình thực hiện giai đoạn đầu thí điểm ở tất cả 11 huyện, thành phố với 356 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Những hộ này sẽ được vay vốn lãi suất 0%, số tiền vay từ 10 - 30 triệu đồng, thời gian vay từ 24 - 30 tháng để cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ.
Anh Lơi Kháy Mìn, thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), cho biết gia đình anh có 1.500 mét vuông đất. Trước kia, mảnh đất này do thiếu nước nên một phần diện tích chỉ trồng lúa một vụ, phần còn lại trồng rau, không mang lại thu nhập cho gia đình. Nay được vay số vốn 30 triệu đồng không lãi suất, thời gian vay là 30 tháng, anh đã đầu tư cải tạo đất, chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ sang trồng rau. “Do mới triển khai chưa biết thế nào, nhưng được hỗ trợ cây, con giống, được giúp đỡ về kỹ thuật, nhìn vườn rau xanh tốt, gọn gàng, sạch đẹp khiến tôi rất vui” - anh Mìn chia sẻ.
Trong đợt đầu triển khai cải tạo vườn tạp, huyện Hoàng Su Phì có 56 hộ, trung bình mỗi thôn khoảng 2 hộ. Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, huyện đã chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cho từng ngành, từng cán bộ phụ trách xã, thôn triển khai nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm, hiệu quả.
“Chúng tôi đã khảo sát, nắm bắt tình hình cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân khi triển khai nhiệm vụ. Quan điểm của chúng tôi làm đến đâu chắc đến đó, thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, có như vậy mới lan tỏa phong trào cải tạo vườn tạp trong nhân dân” - ông Minh nhấn mạnh.
Đối với vườn tạp của các huyện vùng cao núi đá phía Bắc như: Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc, diện tích chủ yếu là đá nên công tác cải tạo vườn tạp đòi hỏi những yêu cầu riêng so với các huyện vùng thấp.
Ông Tề Văn Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mèo Vạc cho biết, huyện Mèo Vạc có địa hình toàn là đá, thiếu nước và đất. Vì thế, huyện xác định phải cải tạo đất, dọn đá tạo mặt bằng, đổ đất tạo vườn rồi mới xác định trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với từng gia đình, từng địa phương, mục đích nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Khi triển khai Nghị quyết của tỉnh về cải tạo vườn tạp, người dân rất đồng tình ủng hộ.
Tại Hà Giang, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sinh kế cho khoảng 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn. Theo số liệu thống kê năm 2020, toàn tỉnh có 186.040 hộ; trong đó 41.478 hộ nghèo (chiếm 22,3%) và 28.513 hộ cận nghèo (chiếm 15,33%).
Ông Phùng Viết Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, trong những năm qua, người dân trên địa bàn Hà Giang đã được hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã nội, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, việc cải tạo vườn tạp chưa được quan tâm, nhiều diện tích vườn của dân còn để hoang phí hoặc trồng cây hỗn giao, không mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, chương trình cải tạo vườn tạp mới được triển khai hơn 2 tháng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền địa phương và sự hưởng ứng cao của người dân.