GRDP của An Giang vượt kịch bản đề ra

Trong bối cảnh kinh tế, xã hội của tỉnh An Giang còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, nhưng 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của An Giang tăng 4,98% so cùng kỳ 2021, vượt 0,26% so kịch bản tăng trưởng là kết quả khả quan, chấp nhận được.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đưa ra tại "Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022", do UBND tỉnh An Giang tổ chức sáng ngày 1/7.

Chú thích ảnh
Ảnh tư liệu: Công Mạo/TTXVN

6 tháng đầu năm 2022, dưới sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh An Giang và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. GRDP vượt kịch bản tăng trưởng đề ra, tăng 4,98% so với cùng kỳ, vượt kịch bản tăng trưởng đề ra 4,72%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định tăng 2,51%; công nghiệp và dịch vụ chuyển biến tích cực, khi khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,64% và khu vực thương mại - dịch vụ tăng 6,10%.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2022: khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 32,66%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 15,45%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 47,79%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,1%. 

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm, GRDP của An Giang 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá tốt. Trong đó, hoạt động xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt. Hoạt động thương mại - dịch vụ, du lịch lữ hành của tỉnh An Giang bắt đầu phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt cao so với cùng kỳ năm 2021.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang cho biết, ở một số khu vực, An Giang có tốc độ tăng cao cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân An Giang. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. Khu vực nông nghiệp dù giảm về sản lượng, song đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Kết quả này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.

Theo UBND tỉnh An Giang, bên cạnh các kết quả tích cực thì tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm - thủy sản và thương mại - dịch vụ tuy có tăng so với cùng kỳ song còn thấp hơn kịch bản đã đề ra. Tình hình đăng ký doanh nghiệp chưa phục hồi và tăng trưởng như kỳ vọng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

Dự báo những tháng cuối năm 2022, kinh tế An Giang vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19; giá cá tra tăng trưởng nóng có thể xảy ra tình trạng lạm dụng sản xuất, kinh doanh, dẫn đến chất lượng sản phẩm sụt giảm, gây mất ổn định ngành hàng; giá xăng dầu tăng cao có thể kéo theo giá chi phí sản xuất, vận tải, logistics tăng cao, ảnh hưởng giá các mặt hàng đều tăng, ảnh hưởng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế của An Giang, năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP tăng 5,2%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,70%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,75%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 6,87%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,01%.

Để đạt được mục tiêu và kịch bản tăng trưởng cả năm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, rà soát, bổ sung những giải pháp hiệu quả hơn, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách nhà nước do Chính phủ và HĐND tỉnh giao.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang giao các sở, ngành, địa phương tổ chức sản xuất tốt vụ Hè Thu và triển khai xuống giống vụ thu đông 2022 an toàn, kiểm tra tình hình giá vật tư, chống hàng giả, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao trong năm 2022. 

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh thi công các dự án trọng tâm, trọng điểm; chủ động nguồn cát phục vụ các công trình giao thông và tập trung đẩy mạnh kích cầu du lịch; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Thanh Sang (TTXVN)
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Quảng Nam cần phát huy hơn nữa tiềm năng về kinh tế biển
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Quảng Nam cần phát huy hơn nữa tiềm năng về kinh tế biển

Ngày 1/7, Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN