Gia đình chị Phan Thị Mùi, thôn Đồng Cầm, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, vay vốn ưu đãi cải tạo 2ha chè, tạo việc làm và cho thu nhập ổn định cho nhiều lao động.
Những thành quả đáng khích lệ
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (tính đến hết tháng 6/2024) tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.667 tỷ đồng, tăng 2.819 tỷ đồng (tăng 152,6%) so với năm 2014.
Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 4.281 tỷ đồng, chiếm 92%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 386 tỷ đồng, chiếm 8%/tổng nguồn vốn, tăng 370 tỷ đồng so với năm 2014; hiện tổng dư nợ đạt 4.654 tỷ đồng, với trên 72.000 khách hàng còn dư nợ; chất lượng tín dụng được nâng cao, đến 30/6/2024, tỷ lệ nợ khoanh còn 0,17% (giảm hơn 4 lần), tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,07% (giảm hơn 2 lần) so với năm 2014.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, trong 10 năm qua đã giúp 239.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Lào Cai được vay vốn để triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi… tạo thu nhập giúp 123.000 hộ thoát nghèo; hơn 22.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; tạo việc làm cho trên 63.000 lao động; trên 119.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; xây dựng 8.331 nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách; đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 17,61% năm 2014 (theo chuẩn nghèo cũ) giảm còn 14,94% năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Vốn tín dụng chính sách xã hội cộng hưởng cùng các chính sách khác đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế tại địa phương…
Để đạt được kết quả đó, tỉnh Lào Cai đã ban hành chương trình hành động số 252-CT/TU ngày 10/8/2015 và Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 16/8/2021 để cụ thể hóa Chỉ thị số 40-CT/TW. Đồng thời, tỉnh đã ban hành các nghị quyết với mục tiêu hướng tới là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết: Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát. Việc đổi mới và đa dạng các hình thức truyền thông đã giúp người dân và các cấp, các ngành nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.
Cùng với đó, toàn tỉnh đã xây dựng được mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn rộng khắp tại 1.559 thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh, với 2.072 Tổ tiết kiệm và vay vốn, ban hành các tiêu chí để đánh giá xếp loại Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đưa chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn vào nề nếp và mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong việc vay vốn, cũng như trong sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn. Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng lên.
Ngoài các chương trình tín dụng chính sách của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã bổ sung một số chương trình tín dụng chính sách như: Cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai; cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 – 2025; hỗ trợ vay vốn phát triển du lịch... Từ đó, giúp các hộ nghèo dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất ngay tại quê hương mình.
Đặc biệt, trong những năm qua, Lào Cai đã chủ trương lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính xã hội để củng cố, phát huy, nhân rộng các Hợp tác xã, tổ hợp tác, giao các tổ chức chính trị - xã hội phát triển các dự án khởi nghiệp nhằm định hướng phát triển kinh tế cho hộ gia đình, nhất là các gia đình hộ nghèo, cận nghèo; các chương trình dự án phát triển nông nghiệp theo định hướng thực hiện công nghiệp trong nông nghiệp, các mô hình làm ăn tập thể ngày càng được nhân rộng, phát huy hiệu quả; nhờ đó đã giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo có thêm nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Buổi họp bình xét hộ vay vốn ưu đãi tại bản Thàng Chư Pến, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương.
Phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Thực tế cho thấy, tại Lào Cai, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư chủ yếu ở các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm; cho vay giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu của người dân gặp khó khăn như cho vay học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động, xây dựng nhà ở…
Để những nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự phát huy trong công cuộc giảm nghèo bền vững, tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện các giải pháp thiết thực. Cụ thể, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Tỉnh cũng giao các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng phải xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí kịp thời nguồn tài chính tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh.
Tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác vào Ngân hàng chính sách xã hội. Xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội...
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động vốn; quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.