Giải pháp căn cơ để nông dân không còn lo 'được mùa, mất giá'

Câu chuyện “được mùa, mất giá” là những gì người nông dân Tây Ninh vẫn luôn nơm nớp lo âu, hồi hộp khi bắt đầu mỗi vụ mùa với nhiều loại nông sản gồm bí đỏ, bí đao, chuối cho tới dưa hấu, lúa… dội chợ, khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng vì thua lỗ.

Chú thích ảnh
Mô hình trồng chuối già xuất khẩu ở xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ảnh tư liệu: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Vào vụ mùa, nông dân lại lo

Dù sinh sống chính bằng nghề nông, thế nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh ngụ xã Tân Thành, huyện Tân Châu vẫn hồi hộp khi nói về vụ mùa của gia đình. Ông Mạnh dẫn chứng, tháng 4/2024, khi hơn 4 ha dưa hấu của gia đình được mùa cũng là lúc giá dưa rớt xuống thấp.

Theo đó, dưa loại một có giá khoảng 4.000 đồng/kg, loại hai khoảng 3.000 đồng/kg, loại ba khoảng 2.000 đồng/kg, dưa nụ khoảng 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, vào thời điểm này năm trước, giá dưa hấu giao động từ 7.000-9.000 đồng/kg loại 1. Với giá thấp, trừ chi phí đầu tư, thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch, trung bình mỗi 1 ha dưa hấu gia đình lỗ từ 20 - 30 triệu đồng.

“Cái khó nhất của người nông dân là không thể lường trước được sự thay đổi của thị trường lại vừa lo tăng chi phí từ giá giống, nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”, ông Mạnh cho biết.

Tương tự ông Trần Văn Tín ngụ xã Hảo Đước, huyện Châu Thành) với kinh nghiệm hàng chục năm bám đất vẫn ngao ngán, không dám mặn mà với trái bí đỏ. Ông Tín cho biết: Cuối năm 2023, thời điểm giá trái bí đỏ rớt thê thảm, ồ ạt “dội chợ” khiến gia đình ông lâm cảnh nợ nần.

“Đầu ra trái bí đỏ bị đứng do cung vượt xa cầu, thương lái thu mua nhỏ giọt với giá thấp, chỉ từ 1.800 - 2.000 đồng/kg, trong khi nông dân còn bỏ thêm chi phí đầu tư, thu hoạch, xe kéo. Thậm chí có lúc đỉnh điểm, nông dân chấp nhận bán với giá khoảng 1.200 – 1.400 đồng/kg để giải phóng đồng ruộng, nhưng nhiều thương lái vẫn không mua”, ông Tín nói.

Cùng thời điểm trên, tại huyện Tân Châu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh thống kê có hơn 500 ha bí đỏ được tập trung với sản lượng tương đương 100.000 tấn. Do nguồn cung tăng đột biến dẫn đến không tìm được đầu ra. Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên kết các hệ thống phân phối như Co.op Mart, Vinmart, Bách Hóa Xanh; thông báo cho các khu công nghiệp, trường học, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, giải pháp này chưa thật sự căn cơ.

Tìm đầu ra bền vững

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, 7 tháng năm 2024, diễn tiến thời tiết thuận lợi cho gieo trồng, diện tích các loại cây trồng nông nghiệp duy trì ổn định; chăn nuôi tiếp tục xu hướng phát triển tốt ở đàn lợn và đàn gia cầm, nhờ một số dự án lớn đi vào hoạt động; trong đó, cây lúa gieo trồng 49.483 ha, tăng 0,9% (tăng 442 ha) so cùng kỳ. Cây ngô (bắp) đã xuống giống được 4.338 ha, so với cùng kỳ tăng 9,47% (tăng 375 ha).

Ngoài ra, các loại cây rau, đậu, hoa, cây cảnh hiện đạt 15.932 ha. Để nông dân không còn chịu cảnh lo âu về đầu ra sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước mắt đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính bền vững hơn.

Theo ông Lê Anh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện ngành nông nghiệp đang tập trung phát triển thị trường nông sản hỗ trợ nông dân. Trong nước, ngành nông nghiệp tổ chức cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị OCOP nhằm giúp nâng tầm sản vật địa phương, góp phần đưa sản phẩm của tỉnh vào thị trường các tỉnh lân cận như Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử với việc đã có hơn 100 tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia với trên 250 sản phẩm nông sản được bán trên sàn thương mại điện tử của tỉnh và trong nước. Đối với thị trường nước ngoài, tỉnh cũng hỗ trợ đăng ký, cấp thông tin mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đến hiện nay, tỉnh hiện có 15 vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số xuất khẩu và đang duy trì hoạt động: Trung Quốc (12 mã số), Hoa kỳ (1 mã số), EU (2 mã số) với các loại trái cây như: chuối, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, chanh và 4 cơ sở đóng gói được cấp mã số và duy trì hoạt động xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc.

Cũng theo ông Lê Anh Tâm, ngành nông nghiệp đang tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức sản xuất, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt nông dân. Hiện toàn tỉnh đã có 84/120 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả (chiếm 70%); 25/120 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 80/120 hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết.

Tổng cộng có 3.880 thành viên với 1.600 lao động; doanh thu bình quân là 950 triệu đồng/năm/Hợp tác xã nông nghiệp; lãi bình quân là 350 triệu đồng/năm/hợp tác xã nông nghiệp; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong hợp tác xã nông nghiệp là khoảng 60 - 70 triệu đồng/lao động/năm (khoảng 5,5-6,5 triệu đồng/tháng/người).

Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh và kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025. Qua đó, giúp đảm bảo các sản phẩm trong chuỗi giá trị có quy mô, chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đến nay các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ dần được hình thành và nhân rộng, nhất là trên các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh như lúa, mía (thực hiện liên kết chuỗi tương đối hoàn chỉnh); rau, cây ăn quả và sản phẩm chăn nuôi (thực hiện liên kết một phần). Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 13,3%.

Cụ thể, Tây Ninh hiện có 60.530 ha khoai mì (sắn) công nghiệp được tiêu thụ, chế biến tại các doanh nghiệp chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh. Đối với cây mía, hầu hết diện tích sản xuất trong năm đều được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Nhà máy đường Thành Thành Công - Biên Hoà từ đầu vụ. Đối với cây mãng cầu, hiện có khoảng 200/5.020 ha mãng cầu được liên kết tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân, Công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn Biểu Chiêu và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung.

Đối với cây chuối, hiện có khoảng 300,8/1.980 ha chuối già Nam Mỹ của Công ty TNHH Huy Long An Mỹ Bình (174,8 ha) và Công ty cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (126 ha) có hợp đồng xuất khẩu được ký kết, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc. Cây dưa lưới hiện có khoảng 24/40 ha có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm như Công ty TNHH Hoàng Xuân, Hợp tác xác thương mại dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi, Công ty TNHH Ong mật Bảo An, Trang trại Bà Đen Farm, Công ty cổ phần nông nghiệp Hải Âu... các sản phầm dưa lưới được bán tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, Go!, chuỗi của hàng Bách hóa xanh ...

Riêng đối với cây lúa, tỉnh hiện có trên 3.000/146.300 ha diện tích gieo trồng lúa có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Lúa Vàng Việt, Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời; sản phẩm thịt lợn đã hỗ trợ thực hiện 3 chuỗi cung ứng thịt lợn an toàn trên 99 hệ thống cửa hàng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Giang Phương (TTXVN)
Tiếp diễn câu chuyện 'được mùa mất giá' muối
Tiếp diễn câu chuyện 'được mùa mất giá' muối

Nghề làm muối từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của người dân khu vực Hòn Khói, thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là một trong những nơi sản xuất muối quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Vụ muối năm nay, bên cạnh niềm vui được mùa, diêm dân cũng đối mặt với nhiều nỗi lo khi giá muối liên tục giảm, khiến cuộc sống thêm phần bấp bênh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN