Còn nhiều khó khăn
Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được thực hiện trên phạm vi 17/17 xã, 171/172 thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Tân Sơn (Phú Thọ) với tổng vốn đầu tư đạt 343 tỉ đồng.
Huyện đã ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư tập trung không dàn trải, lựa chọn đúng đối tượng ưu tiên ở 10 dự án như: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án của Chương trình, huyện gặp không ít khó khăn, vướng mắc do có nhiều điểm mới về phương pháp tiếp cận, đối tượng, nội dung, phạm vi hỗ trợ, đặc biệt là việc tích hợp các chính sách liên quan đến nhiều đơn vị tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện...
Cụ thể, Dự án 1, kinh phí hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển phải thực hiện theo quy định Luật Đầu tư công. Nếu thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng công trình theo quy định thì khối lượng hồ sơ quá lớn; chưa quy định rõ trường hợp địa phương còn quỹ đất nhưng các hộ có nhu cầu tự chuyển nhượng quyền sử dụng; chưa có văn bản hướng dẫn ủy thác đối với nguồn vốn sự nghiệp được giao để hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt.Do vậy, mặc dù đã phân bổ kinh phí thực hiện nội dung này, tuy nhiên đến nay chưa đủ căn cứ để triển khai thực hiện.
Nguồn vốn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng được phân bổ đối với Dự án 4 cho các xã đặc biệt khó khăn còn thấp, manh mún, dàn trải do yêu cầu đảm bảo tất cả các xã, thôn đặc biệt khó khăn đều được thụ hưởng. Trong đó, trung bình mỗi xã 1,3 tỉ đồng/năm, mỗi khu được phân bổ 375 triệu đồng/năm trong cả giai đoạn 2021-2025... Vì vậy quá trình giải ngân thực hiện các nội dung đầu tư của Chương trình tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Tập trung giải ngân vốn, hoàn thành mục tiêu đề ra
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đến nay, tỉnh Phú Thọ đã triển xây dựng được hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học, y tế phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi. Các dự án được thực hiện bước đầu góp phần tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, tin tưởng vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
UBND tỉnh cho biết, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đạt 40%. Đến nay, có 204 công trình trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ đầu tư, trong đó 123 công trình giao thông; 8 công trình thủy lợi; 26 công trình trường học; 4 công trình y tế. Việc triển khai hỗ trợ đầu tư đều đảm bảo đúng dự án, trúng đối tượng thụ hưởng.
UBND tỉnh đặt mục tiêu, nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 2%/năm; phấn đấu trên 54% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỉnh phấn đấu 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; 55% lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số, người kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề…
Đạt mục tiêu trên, dự kiến tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh trên 3.461 tỷ đồng. Từ nguồn vốn, tỉnh sẽ triển khai 10 dự án thành phần của Chương trình. Phú Thọ đang tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để hỗ trợ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút, vận động đồng bào các dân tộc tham gia vào các quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình...