Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống - Cách làm sáng tạo ở Phú Thọ

Huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có sự đổi thay nhanh chóng, toàn diện, đặc biệt là kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; bộ mặt đô thị, nông thôn khởi sắc rõ nét. Kết quả trên có được là do Đảng bộ, chính quyền huyện Thanh Sơn đã chủ động, sáng tạo, đổi mới trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội.

Chú thích ảnh
 Ảnh minh họa: baophutho.vn

Nghị quyết ban hành sát thực tiễn

Mặc dù đã thoát khỏi huyện nghèo nhưng Thanh Sơn vẫn là địa phương có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Từ thực tế tại địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Cụ thể hóa Nghị quyết trên, Huyện ủy Thanh Sơn đã ban hành 4 nghị quyết, 2 đề án, kết luận chuyên đề phù hợp với thực tiễn địa phương. Trong đó, bốn Nghị quyết chuyên đề gồm: “Tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trên địa bàn huyện Thanh Sơn, giai đoạn 2021-2025”; “Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn, giai đoạn 2021 - 2025”; “Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025”; “Tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021 - 2025”. Huyện ủy xây dựng hai đề án là “Tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động Nhân dân trong tình hình mới”; “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đối với các Chi, Đảng bộ trực thuộc Huyện ủy Thanh Sơn giai đoạn 2021-2025".

Cùng với đó, Huyện ủy Thanh Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện khâu đột phá về “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút nguồn lực cho phát triển, trọng tâm là phát triển kết cấu hạn tầng và các ngành, lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra.

Theo ông Phạm Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, việc ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, nghị quyết chuyên đề đã được Huyện ủy cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng; các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra thường xuyên. Sau hơn 2 năm triển khai, những nghị quyết, đề án chuyên đề này đã phát huy hiệu quả, không chỉ giúp nhiều cấp ủy, giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt mà còn tạo tiền đề quan trọng cho mục tiêu quan trọng là đưa kinh tế - xã hội của huyện Thanh Sơn phát triển nhanh và bền vững.

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt

Nhờ xác định đúng, trúng khâu đột phá và kịp thời ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận chuyên đề phù hợp với thực tế địa phương, sau nửa nhiệm kỳ, huyện Thanh Sơn đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Dấu ấn đậm nét là đã có 7/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu vượt cao như: tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 200 tỷ đồng, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 117,5 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 4.500 tỷ đồng; độ che phủ rừng đạt trên 50%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên vượt chỉ tiêu Nghị quyết…

Công tác giáo dục và đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm; lao động việc làm, công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi, chính sách xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Thanh Sơn là một trong những huyện làm tốt công tác dân vận; là địa phương đầu tiên thực hiện có hiệu quả mô hình "Căn nhà cấp ủy", tạo sự đồng thuận rất cao trong cả hệ thống chính trị và đảng viên.

Đặc biệt, nhờ thực hiện hiệu quả khâu đột phá về “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, môi trường đầu tư trên địa bàn huyện đã được cải thiện rõ rệt, thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện huy động tổng nguồn vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 trên 4.444 tỷ đồng, đạt 76,2% so với giai đoạn 2016 - 2020. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Đến nay, huyện đã có 35 dự án được phê duyệt và đang được triển khai. Một số dự án quy mô lớn đi vào hoạt động tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển như: Dự án Khu dân cư mới Soi Cả, xã Sơn Hùng (Thanh Sơn Riverside Garden) với quy mô 30ha, tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng; Dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thục Luyện, với quy mô 46ha, tổng mức đầu tư trên 256,75 tỷ đồng; dự án nhà máy may Herrhil tại xã Sơn Hùng, với diện tích trên 41 ha, giải quyết nhu cầu việc làm cho trên 1.500 lao động, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng… Kết quả này được coi là một dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ này.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới tạo bước chuyển biến mới, dần đưa Thanh Sơn trở thành trung tâm chế biến nông, lâm sản của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi được chủ lực của huyện đã được đưa vào sản xuất, tạo giá trị kinh tế cao như  giông lúa đặc sản chất lượng cao như J02, TBR 225, lúa nếp Quạ Đen được vào sản xuất; các giống chè, bưởi, cây gỗ lớn, chuối phấn vàng được mở rộng diện tích… Đặc biệt, Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đã có 6 xã đạt 19/19 tiêu chí, tăng 2 xã so với năm 2020; các xã còn lại đạt từ 7 - 14 tiêu chí. Có 120 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 66 khu so với năm 2020, vượt 40 khu so với mục tiêu Nghị quyết.

Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch ở Thanh Sơn có bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc. Đến nay, toàn huyện đã có 130 câu lạc bộ văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác tại các xã, khu dân cư, trường học. Huyện bảo tồn được hàng trăm bộ nhạc cụ dân tộc, hàng ngàn bộ trang phục, nhiều nhà sàn và nhiều đồ dùng công cụ, lao động, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc có nguy có biến mất. B di sản đã được phục dựng gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian (diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, múa trống đu và hát ví, hát rang); Lễ hội truyền thống đình Lưa, xã Tân Lập; phục chế hiện vật, công cụ, dụng cụ lao động sản xuất, nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mường (cối giã gạo, khung cửi dệt vải, cọn nước), góp phần bản tồn, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc đang bị mai một.

Đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững

Ông Đặng Quang Huy, Bí thư Huyện ủy Thanh Sơn cho biết, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI đã đề ra, thời gian tới, Huyện ủy triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với khâu đột phá của huyện. Huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giao thông nông thôn và các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

Huyện ủy đẩy mạnh vận động người dân ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chế biến, thực hiện dồn điền, đổi thửa hình thành vùng sản xuất chuyên canh; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm là thế mạnh của địa phương. Huyện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chế biến sâu, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, đẩy mạnh liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn GAP; phát triển công nghiệp chế biến gỗ và cấp chứng chỉ rừng FSC; chỉ đạo quyết liệt xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Thanh Sơn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đưa cụm công nghiệp Thục Luyện, Thắng Sơn đi vào hoạt động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phù hợp, tạo việc làm cho lao động địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Huyện Thanh Sơn thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực để đầu tư xây kết cấu hạ tầng xây dựng và đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, như: Đường Thanh Thủy - Thanh Sơn giai đoạn 2021 - 2025; cải tạo, sửa chữa đường giao thông liên xã Văn Miếu - Thượng Cửu; cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 317 D, đoạn nối từ Quốc lộ 70B xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn đi xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy…

Huyện Thanh Sơn phấn đấu đến năm 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm của huyện đạt 8.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 200 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2025 đạt 40 triệu đồng trở lên; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm trên 0,5%/năm, hộ cận nghèo giảm trên 0,8%/năm...

Lâm Đào An (TTXVN)
Phú Thọ tập trung ứng phó với mưa lũ
Phú Thọ tập trung ứng phó với mưa lũ

Do ảnh hưởng của mưa bão, từ đêm 27 đến chiều 28/9, địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như Đông Cửu (Thanh Sơn) 135mm; Xuân Sơn (Tân Sơn) 129,2mm; Dị Nậu (Tam Nông) 101,8mm; Xuân Đài (Tân Sơn) 100,4mm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN