Nguy cơ từ mưa lũ và hồ đập xuống cấp
Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, những tháng cuối năm, tỉnh Gia Lai có thể hứng chịu mưa lớn từ 100-200mm, kèm theo 1-2 cơn bão ảnh hưởng gián tiếp. Trong khi đó, nhiều hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, gây lo ngại về an toàn trong mùa mưa lũ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 352 công trình hồ chứa thủy lợi lớn và nhỏ. Qua kiểm tra, nhiều hồ đập đã xuất hiện hư hỏng, điển hình là Hồ chứa nước Tân Sơn (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đang trong tình trạng sạt lở phần đất mái thượng lưu.
Trạm trưởng Trạm Quản lý Hồ chứa nước Tân Sơn Phạm Văn Bình cho biết, đơn vị đã báo cáo tình trạng sạt lở và sẽ tập trung xử lý tạm thời bằng cách đóng cọc, rào lưới và gia cố bằng bao cát. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có giải pháp đầu tư sửa chữa, nâng cấp bài bản.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại. Hầu hết các đập, hồ chứa nước do các địa phương, đơn vị quản lý không có hồ sơ công trình hoặc hồ sơ bị thất lạc, gây khó khăn cho việc quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh đang quản lý 118 hồ chứa nước thủy lợi các loại, trong đó, 114 hồ chứa đang vận hành khai thác phục vụ sản xuất, 2 hồ chứa đã hoàn thành đang thực hiện công tác bàn giao và 2 hồ chứa dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2024. Hầu hết các công trình đều được xây dựng từ lâu nên việc hư hỏng là không thể tránh khỏi, tuy nhiên, không ảnh hưởng lớn đến an toàn vào mùa mưa lũ. Hiện chỉ có hồ chứa nước Chư Gu (huyện Krông Pa) bị thẩm lậu lớn và đã được yêu cầu không tích nước trong năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Gia Lai cho biết: Đơn vị này đang quản lý 49 công trình hồ đập, trong đó nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc sửa chữa, nâng cấp gặp khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp.
Không chỉ gặp khó về nguồn kinh phí sửa chữa, công tác quản lý hồ đập ở một số địa phương cũng còn nhiều bất cập do thiếu nhân lực. Điển hình, tại huyện Ia Grai chỉ có 5 người phụ trách quản lý và vận hành 23 công trình hồ, đập và kênh dẫn nước trên địa bàn. Theo Đội trưởng Đội Quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện Ia Grai Nguyễn Đăng Lưu, do thiếu nguồn nhân lực nên ngay từ đầu mùa mưa bão, địa phương đã lên phương án ứng phó và chỉ đạo đơn vị thường xuyên túc trực 24/24 giờ tại các công trình trọng điểm. Đồng thời, thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" và xây dựng phương án xử lý sự cố.
Các giải pháp cấp bách được triển khai
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng công trình, đặc biệt là các điểm xung yếu để có phương án xử lý kịp thời sự cố. Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các chủ hồ đập thực hiện nghiêm túc quy chế vận hành liên hồ chứa, điều tiết nước hợp lý; bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý và vận hành công trình, cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với mưa lũ.
Đối với các công trình xuống cấp nghiêm trọng, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí hơn 95 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 6 hồ chứa xuống cấp, hư hỏng mất an toàn. Về phía ngành chuyên môn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị sớm triển khai dự án nâng cao an toàn đập và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi bằng nguồn vốn vay WB8, kinh phí hơn 557 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025.
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, khẳng định các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn được vận hành an toàn và khai thác hiệu quả. Công tác kiểm tra, đánh giá, lập phương án sửa chữa hư hỏng tại các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ được triển khai thường xuyên và kịp thời. Tỉnh cũng đã thành lập các đơn vị quản lý khai thác phù hợp với đặc thù và điều kiện của vùng đất Tây Nguyên; phương án tích nước và phòng chống thiên tai ở các hồ chứa vừa và lớn cũng được xây dựng để đáp ứng yêu cầu an toàn.
Riêng đối với các hồ chứa thủy lợi do các đơn vị, công ty đứng chân trên địa bàn quản lý như các hồ chứa nước do các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam quản lý, địa phương sẽ sớm có ý kiến với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về việc điều chuyển các hồ chứa nước thuộc các đơn vị này quản lý về cho tỉnh quản lý.
Trong thời gian chờ Bộ Tài chính có ý kiến, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến với Tổng công ty Cà phê Việt Nam để bố trí kinh phí sửa chữa ngay các hư hỏng, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản trong mùa mưa lũ năm 2024 và các năm tiếp theo.