Trong số đó, tỉnh sẽ duy trì khoảng 130.000 ha cà phê với sản lượng khoàng 343.000 tấn/năm; gần 34.000 ha hồ tiêu có sản lượng ước tính 60.000 tấn/năm; 25.000 ha cao su cho sản lượng 35.000 tấn/năm cùng 15.000 ha điều với sản lượng 18.000 tấn/năm…
Tuy là địa phương có diện tích nhỏ nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên nhưng Đắk Nông lại có diện tích cà phê đứng thứ 3 khu vực, đồng thời cũng xếp vị trí thứ 3 của cả nước. Đặc biệt, Đắk Nông hiện cũng là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tận dụng các lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và các yếu tố giá cả thị trường, kinh nghiệm của nông dân, địa phương đang định hướng xây dựng nhiều vùng nguyên liệu tập trung gắn liền với tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng chủ lực. Trong đó, Đắk Nông ưu tiên phát triển các vùng trồng với diện tích lớn, canh tác bền vững, ứng dụng công nghệ cao nhằm năng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, tỉnh khuyến cáo nông dân canh tác theo hướng nông nghiệp sạch; thu hoạch, sơ chế nông sản đủ độ chín để đảm bảo chất lượng; đồng thời tăng cường chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm bán ra thị trường. Từ nay đến năm 2030, Đắk Nông định hướng giữ vững kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều) ở mức trên 980 triệu USD/năm.
Giá cả nhiều loại nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Nông đã tăng mạnh thời gian qua. Cà phê nhân xô hiện được mua ở mức khoảng 120.000 đồng/kg; hồ tiêu đen ở mức 150.000 đồng/kg… Đây là mức giá thuộc loại cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.