Đồng Nai hướng đến nền nông nghiệp xanh

Nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, quản lý bẳng mã số vùng trồng, xây dựng chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm là định hướng được nhiều nhà nông áp dụng nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản...

Chú thích ảnh
Bưởi đường lá cam ở Đồng Nai là sản phẩm nông nghiệp theo hữu cơ, nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường được thị trường ưa chuộng.

Áp dụng công nghệ cao tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn 

Hợp tác xã (HTX) Tâm Minh Quang (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) hiện có 35 ha trồng nhiều loại cây ăn trái, rau củ quả, cho đến các loại gạo đặc sản như gạo tím, gạo ST25, sầu riêng... Các sản phẩm của HTX đã được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ gồm: Bưởi, dưa hấu, ổi, đu đủ chuối... với sản lượng hàng trăm tấn/năm. Trong đó, chỉ riêng diện tích trồng bưởi là gần 20 ha. Các loại nông sản tại trang trại đều được trồng theo chuẩn hữu cơ. Đây cũng là đơn vị có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất tỉnh được cấp chứng nhận hữu cơ. 

Chị Nguyễn Ngọc Bích Huyền, quản lý trang trại TamECo của HTX, cho biết: Vùng đất Tân An với chất đất sét pha sỏi cằn cỗi, do dó để cải tạo trang trại trở nên màu mỡ như hiện nay, đáp ứng  yêu cầu sản xuất hữu cơ là cả một quá trình kỳ công chăm chút.

Để cải tạo đất, HTX áp dụng nhiều biện pháp như: trồng xen cây chuối ở khu bờ rào, hoặc ở dải đất giữa các khu trong trang trại để ngoài thu hoạch trái thì cây chuối sẽ được ủ cho hoai mục làm phân bón cho đất. Ngoài ra, khi trồng nấm rơm thu hoạch xong thì cũng tận dụng rơm mục bón cho vườn cây ăn trái. Trang trại cũng tự làm chế phẩm sinh học IMO, được tạo ra bằng cách tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương cung cấp cho cây, tạo dưỡng chất thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển. Mặt khác, HTX còn đầu tư các trại nuôi ruồi hiện đại để tạo ra sản lượng phân hữu cơ lớn, đảm bảo chất lượng cho nông trại.

Để bảo quản nông sản tốt hơn, HTX đã đầu tư xây kho lạnh, máy sấy, máy nghiền để bảo quản cũng như sản xuất, chế biến sâu một số sản phẩm từ trái chuối như: kẹo chuối, bánh chuối, bánh bao chay từ bột chuối, trà gạo tím…

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX chia sẻ, Tâm Minh Quang được thành lập với mong muốn tạo ra nguồn nông sản, thực phẩm xanh đối với môi trường, an toàn cho người sử dụng, vì sức khỏe cộng đồng. HTX hiện đang hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững, tạo ra sản phẩm đúng nghĩa hữu cơ, có sản phẩm sạch cho người bị bệnh chữa bệnh bằng thực dưỡng, thực phẩm sạch.

Với suy nghĩ tích cực đó, HTX còn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn cho nhiều nông dân tại địa phương chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường trên cây lúa, cây rau, bưởi và các loại cây ăn trái khác.

Theo ông Dũng, để nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, cần có lộ trình phổ biến để người nông dân nhận thức được giá trị lợi ích của nông nghiệp hữu cơ ( NNHC) mang lại và thay đổi thói quen canh tác; bởi điều kiện để làm NNHC hiện nay là rất khó vì môi trường bị ô nhiễm từ đất, nước, không khí. Ngoài ra việc đối phó với sâu bệnh vốn không dễ dàng, và với người làm nông nghiệp hữu cơ sẽ là một thử thách khá lớn. Rồi sản xuất ra tiêu thụ như thế nào, phân phối ở đâu, đối tượng khách hàng là ai cũng là thách thức lớn với người làm NNHC. Dù nêu ra nhiều khó khăn khi sản xuất NNHC nhưng ông Dũng khẳng định vẫn có niềm tin tuyệt đối vào hướng đầu tư này vì nhu cầu của con người là phải ăn và ai cũng muốn ăn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Vì thế, nhu cầu về sản phẩm NNHC là rất lớn. 

Cùng suy nghĩ như ông Dũng, thời gian qua nhiều nông dân ở Đồng Nai đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển hướng sang làm nông nghiệp theo hữu cơ, nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường. Theo báo cáo của sở NN & PTNT, toàn tỉnh hiện có 418 mô hình và 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Toàn tỉnh có 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 17 tổ hợp tác, 108 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Qua đó có 9 mô hình đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 28,7 hécta. Sản phẩm nông sản hữu cơ của tỉnh gồm: hồ tiêu; sầu riêng, bưởi, dưa hấu, ổi, đu đủ, ớt và rau các loại... Các vùng sản xuất theo hướng hữu cơ tiêu biểu gồm: vùng trồng hồ tiêu tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) với 300 ha; vùng lúa tại xã Phú Bình (huyện Tân Phú) với 168 ha; vùng lúa tại xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) với 50 ha; vùng nuôi thủy sản dưới tán rừng tại xã Phước An (huyện Long Thành) với 334 ha…

Đồng Nai hiện đã hình thành 8  vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Theo đại diện Sở NN& PTNT tỉnh, các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều cho năng suất vượt trội so với sản xuất thông thường. Điển hình như tại huyện Xuân Lộc, có hợp tác xã (HTX) Thương mại Dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến sản xuất lúa đặc sản an toàn đã ứng dụng công nghệ cao, cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng.

Ông Trần Quang, Giám đốc HTX Xuân Tiến cho hay, hiện HTX có nhiều hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, máy gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay tại cánh đồng… giúp giảm nhân công và nâng cao chất lượng hạt gạo. HTX Xuân Tiến còn ứng dụng máy bay không người lái (drone) giúp phun thuốc thuốc BVTV cho lúa, bắp thuận lợi hơn.

Ông Quang chia sẻ: “Nhờ ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, những năm gần đây, lợi nhuận từ mô hình sản xuất lúa đặc sản và an toàn của HTX tăng thêm từ 15 - 25% so với cách làm truyền thống. Với giống lúa đặc sản ST24, HTX đã trở thành đơn vị cung ứng sản phẩm gạo chất lượng cao hàng đầu tại địa phương”. 

Không những áp dụng khoa học công nghệ, nhiều nông dân đã liên kết lại, tham gia HTX để có cánh đồng lớn, từ đó tạo thương hiệu cho sản phẩm, điển hình như HTX ca cao Suối Cát. Hiện HTX đã đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ chế biến sâu nhiều sản phẩm từ ca cao đạt yêu cầu khắt khe về chất lượng, xuất khẩu sang các nước Đức, Bỉ, Anh, Nhật Bản… HTX hiện có 2 sản phẩm OCOP 3 sao và đã xây dựng được nhãn hiệu riêng là "Ca cao Thành Ý".

Nhà nước đồng hành với nông dân

Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết, thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều chính sách khuyến khích nhà nông phát triển NNCNC, NNHC như: Đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện... để tạo điều kiện sản xuất tốt; hỗ trợ xác định diện tích đủ điều kiện sản xuất NNHC; hỗ trợ chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và nước ngoài; hỗ trợ về vật tư sản xuất NNHC; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và quảng cáo sản phẩm. Tuyên truyền, tập huấn cho nông dân kiến thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.

Qua đó, người dân nhận thức và hạn chế tối đa việc sử dụng các chất hóa học trong canh tác, thay vào đó sử dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để xử lý phụ phẩm nông nghiệp tạo nguồn hữu cơ bón cho cây trồng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp không chỉ chú trọng nhân rộng các mô hình, diện tích sản xuất nông nghiệp CNC, NNHC mà còn có nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà nông.

Đồng Nai đã xây dựng các vùng trồng, vùng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô sản lượng để gắn kết với công nghiệp chế biến trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai có thêm 18 mã số vùng trồng và 7 mã cơ sở đóng gói chuối và sầu riêng xuất khẩu thị trường Trung Quốc. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh  có 39 vùng trồng nội địa (quy mô 410 ha), 189 mã số vùng trồng xuất khẩu (quy mô gần 28 ngàn ha) và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Tỉnh cũng xây dựng 3 vùng chăn nuôi tại huyện Tân Phú, Long Thành và Xuân Lộc đáp ứng điều kiện xuất khẩu, điển hình như Công ty TNHH Koyu & Unitek xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản khoảng 300 tấn/tháng.

Theo đại diện Sở NN & PTNT tỉnh, Đồng Nai đang hợp tác với Trường đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) ứng dụng công nghệ SOFIX vào sản xuất NNHC. Đây là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh từ đó đề xuất quy trình, loại phân bón nhằm nâng cao độ phì nhiêu cho đất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông sản. Công nghệ này đã được triển khai hiệu quả ở Nhật Bản, áp dụng trên nhiều loại cây trồng. Việc canh tác hữu cơ áp dụng công nghệ SOFIX cho năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học; giảm chi phí sản xuất đồng thời nâng cao chất lượng nông sản. Hiện công nghệ SOFIX đã được triển khai áp dụng trên cây bưởi và sầu riêng tại Đồng Nai. Khi các mô hình trên được thử nghiệm thành công, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá, nhân rộng sang các cây trồng khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho hay, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 có đặt ra mục tiêu phát triển sản xuất NNHC, nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Trong quá trình tập trung thực hiện, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có những chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, cho nông dân, đặc biệt nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã là 150 tỷ đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân 170 tỷ đồng sẳn sàng ưu tiên hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất NNHC, nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh cũng xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu nông sản, đồng thời thường xuyên tổ chức, hướng dẫn nông dân tham gia các chương trình, hội thảo xúc tiến thương mại, như: Lễ Hội sâm và Hương liệu, dược liệu Quốc tế TP Hồ Chí Minh; “Hội chợ - Triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, lần X – năm 2024”,  “Chợ Công nghệ - Thiết bị và Thương mại tỉnh Đồng Nai (Techmart DongNai 2024)”, Hội chợ sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024; xin chủ trương phối hợp tổ chức thực hiện Hội chợ triển lãm Agri Expo – Đồng Nai năm 2024...

Trong 9 tháng năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản của tỉnh Đồng Nai ước đạt 38.179 tỷ đồng, tăng 3,34% so với 9 tháng đầu năm 2023 (CK). Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 34.731 tỷ đồng, tăng 3,37% (trồng trọt tăng 3,65%; chăn nuôi tăng 3,17%); giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 1.422,8 tỷ đồng, tăng 2,25%; giá trị sản xuất thủy sản đạt 2.024,9 tỷ đồng, tăng 4,81%.

Đến nay, toàn tỉnh có 248 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 136 chủ thể, trong đó, 202 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao. Phân theo nhóm sản phẩm có, 228 sản phẩm nhóm thực phẩm, chiếm 92,95% sản phẩm được chứng nhận OCOP trên toàn địa bàn tỉnh, 5 sản phẩm nhóm đồ uống, chiếm 2,07%, 3 sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, chiếm 1,24%, 12 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chiếm 3,73%.
Bài và ảnh: Tiến Phước
Những 'đầu tàu' trong xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai
Những 'đầu tàu' trong xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai

Định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch thực hiện các chiến lược của Chính phủ, được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ máy chính trị địa phương lại tiếp tục xông trận với khát vọng đổi mới hoàn toàn bộ mặt nông thôn, nâng đời sống vật chất người dân đến mức cao nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN