Đổi thay trên quê hương 'Người mẹ cầm súng'

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp trở lại thăm xã Anh hùng Tam Ngãi, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), quê hương của liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nhân vật chính trong truyện ký “Người mẹ cầm súng” của nhà văn - liệt sĩ Nguyễn Thi.         

Điều làm chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt” của một vùng nông thôn sâu. Hệ thống đường giao thông, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế,… đều được xây dựng cơ bản khang trang. Tam Ngãi bây giờ có khá nhiều ngôi nhà xây nằm san sát, hầu như nhà nào cũng có xe gắn máy, các tiện nghi sinh hoạt phục vụ nhu cầu cuộc sống gia đình…      

Ông Huỳnh Văn Giàu, Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi phấn khởi cho biết: Trong số 3.577 hộ dân của xã (có 488 hộ Khmer) hiện chỉ còn 5,14% hộ nghèo, tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước hợp vệ sinh đều đạt trên 98%, 7/7 ấp được công nhận ấp văn hóa…

Một góc thành phố Trà Vinh.


Có được những thành quả hôm nay, là nhờ sự đồng lòng, chung sức của đảng bộ, chính quyền địa phương và tinh thần tự lực  vươn lên của người dân Tam Ngãi trong đó, có sự chịu thương chịu khó của người dân trong lao động sản xuất, học hỏi khoa học kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập. Đáng kể nhất là việc xác định phát triển kinh tế vườn là thế mạnh hàng đầu, cây cam sành được chọn là cây trồng chủ lực ở địa phương. 

Toàn xã hiện có gần 1.500 ha vườn trồng chuyên canh, xen canh các loại trái cây đặc sản như: cam sành, bưởi, nhãn… Hàng năm, cung cấp cho thị trường khoảng 20.000 - 25.000 tấn trái, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương trong đó, có nhiều hộ có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có một số hộ trồng chuyên canh cây cam sành thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Toàn xã hiện có 32 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và 366 cơ sở dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.600 lao động tại địa phương 1 hợp tác xã đan đát tạo việc làm cho hơn 100 phụ nữ nông nhàn, với mức thu nhập từ 50 đến 100 ngàn đồng/người/ngày… Thu nhập bình quân đầu người của người dân Tam Ngãi hiện đạt 15,5 triệu đồng/người/năm.     

Ở Trà Vinh, khi nói đến Tam Ngãi là nói đến một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, toàn xã có 123 liệt sĩ, 87 thương binh, 867 gia đình có công với cách mạng, 4 anh hùng lực lượng vũ trang, 20 mẹ Việt Nam anh hùng, … Với những đóng góp về sức người, sức của cho công cuộc giải phóng đất nước, năm 1994 Tam Ngãi đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.      

Phát huy truyền thống cách mạng và những thành quả đạt được trong công cuộc xây dựng quê hương, trong 3 năm qua, đảng bộ, chính quyền và người dân Tam Ngãi nỗ lực xây dựng nông thôn mới trên quê hương mình.

Ông Huỳnh Văn Giàu, Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi cho biết: Tuy Tam Ngãi không là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhưng đến nay, địa phương đã xây dựng hoàn thành 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Mục tiêu của đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của người dân là phấn đấu vào năm 2015, sẽ xây dựng Tam Ngãi trở thành xã nông thôn mới để xứng đáng với truyền thống anh hùng và sự ước mong của người dân về sự ấm no, giàu đẹp của quê hương “Người mẹ cầm súng”.


 Thanh Hoà
Chủ tịch nước khảo sát tuyến đê biển tại Trà Vinh, Sóc Trăng

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, những năm gần đây, triều cường, sóng lớn thường xuyên gây nhiều thiệt hại cho người dân các tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN