Đoàn công tác đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn. Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: Trong 13 năm qua, tỉnh thực hiện Nghị quyết số 26 và đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Trong nông nghiệp, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn. Tỉnh đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Lâm nghiệp bắt đầu chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích.
Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp ý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, du lịch nên xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố vững chắc đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực nông thôn. Có thể khẳng định đây là chủ trương lớn và toàn diện của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện. Cụ thể là ở giai đoạn đầu một số nơi chưa nhận thức đúng đắn về các chủ trương, cơ chế, chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông thôn còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp đạt và vượt kế hoạch nhưng chi phí trung gian bình quân của ngành tăng làm giảm giá trị, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới. Việc huy động xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn; công tác giảm nghèo chưa bền vững …
Nhân dịp này, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới. Đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo: Nghiên cứu ban hành chính sách phát triển đặc thù đối với các tỉnh miền núi phía Bắc để đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường đầu tư nguồn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cần tăng nguồn vốn hỗ trợ cho các địa phương còn gặp nhiều khó khăn như tỉnh Bắc Kạn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển hợp tác xã; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó là việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khách để thực hiện các công trình, dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt; tăng hỗ trợ tiền khoán, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung để đảm bảo việc bảo vệ rừng và người dân sống được với nghề rừng, gắn bó với rừng…
Qua khảo sát thực tế và nghe báo cáo tại buổi làm việc, Đoàn công tác đánh giá Nghị quyết số 26 được tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, phát huy hết khả năng để đảm bảo an ninh lương thực, đã có sản phẩm hàng hóa trên thị trường, thực hiện tốt công tác phát triển và bảo vệ rừng… Tuy nhiên, các mô hình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; giá trị sản xuất còn thấp; các tiêu chí nông thôn mới nâng cao còn non.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh khẳng định thời gian qua tỉnh đã ưu tiên và dành nhiều nguồn lực đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đời sống người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Nhận thức của người dân thay đổi về việc xây dựng đời sống văn hóa, tổ chức sản xuất, khác hẳn trước đây. Tuy nhiên, Bắc Kạn nhận thấy rất cần có nghị quyết mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Các chính sách mới cần có sự tập trung, tránh dàn trải, trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông, sắp xếp lại dân cư và phát triển giáo dục đào tạo.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng biểu dương những kết quả tỉnh Bắc Kạn đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 26 thời gian qua; đồng thời chia sẻ với tỉnh những khó khăn còn vướng mắc. Các ý kiến của tỉnh Bắc Kạn đã được đoàn công tác lắng nghe, tiếp thu, tổng hợp vào báo cáo trình Trung ương trong thời gian tới. Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng trong thời gian tới cần có nghị quyết mới, có chủ trương chính sách mới để tạo sự đột phá cho các địa phương trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay.