Theo ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban Giao thông Đồng Nai, khi di dời lồng, bè ngành chức năng hỗ trợ mỗi hộ 15 triệu đồng (tổng tiền hỗ trợ 20 hộ là 300 triệu đồng). Lồng, bè cá tại khu vực cầu Thống Nhất được dời đến vị trí neo đậu tạm phía đầu cù lao Cỏ (thuộc phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa). Quá trình di dời có sự tham gia của thợ lặn cùng nhiều ghe thực hiện lai dắt. Tại địa điểm di dời đến, các đơn vị đã đóng cọc cừ lá sen, giúp cố định lồng, bè cá. Sau khi di dời đến nơi mới, các hộ vẫn có thể tiếp tục nuôi cá lồng, bè.
“Ngay khi di dời xong lồng, bè các nhà thầu sẽ huy động nhân lực, máy móc triển khai 3 mũi thi công khoan cọc nhồi trụ cầu Thống Nhất. Tới đây, việc xây dựng cầu sẽ được đẩy nhanh để bù đắp tiến độ”, ông Nguyễn Linh khẳng định.
Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa là dự án trọng điểm của Đồng Nai với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, do Ban Giao thông Đồng Nai làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Trong dự án, hạng mục cầu Thống Nhất và đường dẫn 2 đầu cầu là quan trọng nhất, đóng vai trò kết nối.
Khoảng 10 tháng qua, việc thi công cầu Thống Nhất bị đình trệ, nguyên nhân do phạm vi triển khai cầu có hơn 260 lồng, bè cá khiến các phương tiện thi công không thể tiếp cận công trường, nhà thầu cũng không thể làm cầu tạm để lắp hệ thống bơm bê tông. Mấu chốt trong triển khai cầu Thống Nhất là phải di dời các lồng, bè nuôi cá.
Theo Ban Giao thông Đồng Nai, khu vực xây dựng cầu Thống Nhất người dân không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mà tự ý lấn chiếm mặt nước để nuôi cá lồng, bè; việc nuôi cá ở đây là không hợp pháp nên khi di dời sẽ không bồi thường, tái định cư.