Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Trao sinh kế để giảm nghèo bền vững

Đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người DTTS, là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Nguyên.

Chú thích ảnh

Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực.

Trong đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Huyện Phú Lương là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm, huyện có trên 2.000 lao động được tham gia các lớp đào tạo nghề, ưu tiên lao động ở khu vực nông thôn, đồng bào DTTS và những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho gần 600 người, trong đó có trên 70% là đồng bào DTTS, người nghèo.

Bà Đỗ Thanh Bình, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện cho biết: Hằng năm, các xã, thị trấn đã rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. 

Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn và thế mạnh kinh tế địa phương. Các ngành nghề được tập trung đào tạo cho lao động nông thôn là: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sửa chữa và may mặc…

Thông qua chương trình đào tạo nghề đã có nhiều người dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững...

Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có hơn 8.000 lao động được tạo việc làm mới, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 70,59%. Trung bình mỗi năm, huyện Phú Lương tạo việc làm mới cho khoảng 1.600 người. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện sẽ đạt 70%, trong đó tỷ lệ người lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 32%.

Sau thời gian tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về nông nghiệp, do UBND xã Động Đạt tổ chức, anh Bạch Thanh Tùng (xóm Làng Mạ, xã Động Đạt, huyện Phú Lương) đã có thêm những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích áp dụng vào thực tế nuôi ong mật của gia đình. Anh đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng mô hình nuôi ong và hiện nay gia đình anh có hơn 70 thùng nuôi ong, doanh thu đem lại khoảng 100 triệu đồng/ năm.

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong việc phát huy nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Định Hóa cũng rất quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và đạt những kết quả bước đầu.

Sau 3 tháng tham gia lớp học nghề điện tử, điện lạnh, anh Ma Văn Hoàng (xã Bảo Cường, huyện Định Hóa) đã mở cửa hàng sửa chữa tại nhà. Công việc này đã đem lại thu nhập cho anh khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.

Anh Hoàng cho biết: "Lớp đào tạo nghề không những mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm, mà còn giúp tôi được gặp gỡ các học viên khác có chung ý tưởng kinh doanh, góp ích rất nhiều cho công việc sau này. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người tận dụng được cơ hội tốt từ các lớp dạy nghề để có công việc ổn định, vươn lên thoát nghèo".

Ông Mông Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm GDNN - Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên, cho biết: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, đặc biệt là hướng tới người lao động là các đối tượng yếu thế, các đối tượng đặc thù; Trung tâm sẽ tiến hành rà soát các ngành nghề ngành nghề đào tạo để tạo điều kiện về trang thiết bị đào tạo, cũng như đội ngũ nhà giáo, cập nhật xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu đào tạo của các địa phương và người lao động

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, lao động nông thôn gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, từng vùng, từng ngành, từng địa phương, sẽ giúp nâng cao chất lượng lao động nông thôn, vùng đồng bào DTTS, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

PV
Vốn tín dụng chính sách - trụ cột cho chương trình giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên
Vốn tín dụng chính sách - trụ cột cho chương trình giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên

Tính đến ngày 31/10/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang là 255.730 triệu đồng, tăng 45.773 triệu đồng so với thời điểm ngày 31/12/2023, góp lực nâng tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Thái Nguyên lên 4.920.656 triệu đồng, tăng 268.093 triệu đồng so với cuối năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN