Xã “2 nhất”
Xã Ngọc Linh hiện có 12 thôn với hơn 2.800 khẩu, 95% là người dân tộc thiểu số. Hiện Ngọc Linh đang “sở hữu” hai cái nhất gồm: nghèo nhất và xã có tiêu chí nông thôn mới ít nhất tỉnh Kon Tum. Toàn xã có 553 hộ nghèo, chiếm gần 77% số hộ; chỉ đạt 8/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Tất cả tiêu chí đạt chủ yếu là từ chính quyền thực hiện như: tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, điện, hạ tầng, thông tin truyền thông…
Xã Ngọc Linh đứng chân trên núi Ngọc Linh, nơi được thiên nhiên ưu đãi với sâm Ngọc Linh - "Quốc bảo" của Việt Nam. Thổ nhưỡng phù hợp để trồng và phát triển các cây dược liệu, nhất là sâm dây và sâm Ngọc Linh nhưng nhiều năm qua, việc phát triển dược liệu nơi đây không dễ nên ước mơ thoát nghèo vẫn khó thành hiện thực. Toàn xã Ngọc Linh mới trồng được gần 277 ha sâm dây, 6,3 ha sâm Ngọc Linh. Số diện tích trên đã tăng nhiều so với năm 2020, sâm dây tăng gần 137 ha, Sâm Ngọc Linh tăng 2,8 ha.
Tuy nhiên, việc phát triển sâm dây chỉ trên diện tích, còn thực tế năng suất, số lượng cây không nhiều. Theo ông A Kham, Trưởng thôn Lê Toan, thôn có 81 hộ, 100% là người Xê Đăng. Chủ trương trồng sâm dây được người dân hưởng ứng, cụ thể, toàn thôn trồng được 9 ha sâm dây. Sâm dây, trồng năm đầu cho thu hoạch tốt, năng suất cao, nhưng đến năm thứ 2, 3, cho củ ít, củ nhỏ nên người dân bỏ không làm. “Gia đình tôi trồng 1 ha, đất đã trồng sâm dây 3 năm nên không hiệu quả. Sâm dây không thể để lâu, trồng 6-7 tháng là phải thu hoạch, để lâu củ bị hư. Hiện người dân có giống, muốn trồng sâm dây nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, diện tích trồng được sâm dây ở trong thôn chủ yếu là đất dốc lớn, năm 2020 mưa lũ đã cuốn trôi nhiều diện tích sâm dây” ông Kham cho biết thêm.
Trong lúc trồng sâm dây với mong ước thoát nghèo không hiệu quả, người dân Lê Toan giờ chỉ chờ cây lúa. Toàn thôn gieo trồng được 40 ha nhưng chỉ gieo 1 vụ. Mùa mưa, nhất là cuối năm thời tiết lạnh, lúa gieo không lên được.
Thôn Sa Múc có 72 hộ nhưng có tới 68 hộ nghèo. Theo anh A Iếp, gia đình anh trồng 2 ha sâm dây, đến năm thứ 3 sâm có ít củ, nhỏ, giá bán chỉ 15-20 nghìn/kg, bằng 1/3-1/4 so cách đây 3 năm. Ngoài ra, trồng sâm dây phải phát, đốt, tạo luống để trồng, sâm dây không thể trồng dưới tán rừng.
Là xã nghèo, ước mơ trồng sâm Ngọc Linh của người dân sống trên núi Ngọc Linh là xa vời. Sâm tự nhiên trong rừng rất hiếm, khó tìm. Hiện tại, giá mua một hạt Ngọc Linh là 100.000 đồng, giá cây giống từ 250-300 nghìn đồng/cây. Tuy nhiên, thị trường hạt giống đang “loạn” khi giống giả đã trà trộn lên vùng núi Ngọc Linh. Ngoài ra, trồng sâm Ngọc Linh cần thời gian, ít nhất sau 5 năm cây mới cho thu hạt, 7 năm cho thu củ.
Đánh thức tiềm năng
Với thế mạnh thổ nhưỡng phù hợp để phát triển dược liệu, nhất là sâm dây, sâm Ngọc Linh, nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp kiến nghị, hiến kế để phát huy tiềm năng, thế mạnh để giúp dân xã Ngọc Linh sớm thoát nghèo.
Ông Trần Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đề xuất về việc hỗ trợ giống sâm Ngọc Linh cho dân. Tuy nhiên, trồng sâm phải có tổ chức, phải thành lập hợp tác xã. Việc hỗ trợ, dân tự trồng sẽ không hiệu quả. Muốn sâm Ngọc Linh phát triển tốt, đem lại hiệu quả, ông Trần Hoàn đề xuất cần củng cố lại hợp tác xã, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp trồng sâm trên địa bàn; thành lập hợp tác xã kiểu mới để trồng sâm. Công ty hỗ trợ giống, chính quyền phối hợp cùng doanh nghiệp khảo sát vị trí trồng sâm Ngọc Linh. Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum cung cấp, giám sát nguồn giống, hỗ trợ kỹ thuật. Với sâm dây, trồng phải áp dụng khoa học kỹ thuật mới hiệu quả. Công ty cam kết thu mua các sản phẩm sâm trồng của dân.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô, doanh nghiệp được giao bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh tại Kon Tum cho biết thêm, xã Ngọc Linh cần thành lập một hợp tác xã nông nghiệp. Công ty sẽ tham gia và cam kết cùng hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh với dân. Chính quyền cần vào cuộc sớm để kịp cho thời vụ trồng sâm vào tháng 10.
Tuy nhiên, đó là kế lâu dài, trước mắt, người dân và chính quyền xã Ngọc Linh cần tìm hướng giúp dân ổn định cuộc sống, lấy ngắn nuôi dài. Người dân không thể đợi 5-7 năm sau để thu hoạch thành quả từ sâm Ngọc Linh khi cuộc sống vẫn tiếp diễn. “Lấy ngắn ở đây là trồng sâm dây, nuôi gia súc như trâu, bò, lợn tiếp tục phát triển các cây trồng ngắn ngày khác như lúa, mỳ, ngô... Người dân phải đảm bảo cuộc sống để tái sản xuất trong giai đoạn tiếp theo. Lâu dài, các cấp, ngành trong tỉnh cùng doanh nghiệp phải tham gia cùng chính quyền để giúp xã Ngọc Linh” ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhấn mạnh tại cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với chính quyền xã Ngọc Linh.
“Tiềm năng có nhưng bà con vẫn nghèo có nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu kiến thức trong lao động sản xuất. Ruộng lúa chỉ làm 1 vụ, sau bỏ. Trâu bò nuôi trong rừng không bán. Nuôi lâu, giá bán sẽ giảm, trâu bò sẽ chết”, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đã nêu một trong những nguyên nhân làm xã Ngọc Linh vẫn nghèo nhất tỉnh.
Trước thực trạng trên, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần phối hợp giúp thành lập Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tại xã Ngọc Linh. 12 thôn trong xã phải thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp, trong đó quan tâm đến sâm dây và sâm Ngọc Linh. Các công ty, doanh nghiệp cần đồng hành, hỗ trợ giống, kỹ thuật giúp dân thông qua hợp tác xã. Ngoài ra, để khai thác hết tiềm năng, người dân có thể làm một vụ lúa, một vụ màu trên cùng diện tích.
Diện tích lúa đảm bảo nguồn nước cần làm 2 vụ. Bên cạnh đó, ưu tiên nâng cấp tỉnh lộ 764, con đường duy nhất nối huyện với xã. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Đăk Glei và xã Ngọc Linh cần rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở xã, thôn. Đây là nút thắt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội của xã Ngọc Linh. Cán bộ huyện, xã cần xuống thôn, ra vườn, lên rẫy để hướng dẫn bà con trong sản xuất. Với các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2022 sẽ ưu tiên cho xã Ngọc Linh nhằm sớm giúp dân thoát nghèo…
Được biết, huyện Đăk Glei đã cùng với doanh nghiệp khảo sát và chọn được vị trí đất để phù hợp trồng sâm Ngọc Linh. Ngoài ra, Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum chủ trương trước mắt ủng hộ 50 hồ cá để xã Ngọc Linh phát triển thủy sản ở những vùng đất có nguồn nước sạch, trong đó nguồn giống cho do công ty cấp, sản phẩm làm ra công ty tiêu thụ để lấy ngắn nuôi dài, giúp dân ổn định cuộc sống…