Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Xác định “Phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần có sự phối hợp liên ngành của tất cả các cấp ủy Đảng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, là bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng”, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và cộng đồng trong phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, trên cơ sở đảm bảo sử dụng các nguồn lực có hiệu quả.

Các đơn vị trong tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, bám sát mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, góp phần mang lại hiệu quả trong triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn. Bên cạnh đó, năng lực cán bộ thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến được nâng cao; hoạt động của các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng tại các huyện được duy trì, nhất là với người dân vùng sâu, vùng xa. Việc mở rộng các hoạt động can thiệp giảm tác hại đã góp phần khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng, giảm dần số người nhiễm HIV mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS.

Để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp nhất nhằm sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), tiến tới kết thúc dịch AIDS, tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc, điều trị. Chương trình điều trị nghiện các chất thuốc phiện bằng thuốc methadone đang triển khai cung cấp dịch vụ điều trị tại 27 cơ sở và 17 điểm cấp phát thuốc ở 24/27 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 2.449 người. Hiện đã có 98% bệnh nhân điều trị methadone có HIV được điều trị ARV và 32 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Buprenorphine.

Công tác hỗ trợ điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện ở tất cả các địa phương trong tỉnh. 9/27 huyện được Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ toàn diện bao gồm tư vấn xét nghiệm cho 100% phụ nữ mang thai và bảo đảm các cơ sở sản khoa có thuốc điều trị kịp thời. Đối với công tác điều trị ARV, tại Thanh Hóa hiện có 3.832 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 3.367 bệnh nhân điều trị tại 34 cơ sở điều trị và 465 bệnh nhân điều trị tại 12 điểm cấp phát thuốc của 2 huyện vùng cao là Mường Lát và Quan Hóa. Hiện Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh trên toàn quốc có số bệnh nhân được điều trị đạt mục tiêu của Liên hợp quốc đề ra, đó là 90% bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị ARV. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi khi bệnh nhân HIV được điều trị sớm sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, đồng thời ngăn chặn được sự nhân lên của virus trong cơ thể, làm giảm khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Tuy nhiên, những năm qua, kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Thanh Hóa chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước cấp thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia. Riêng từ năm 2014 đến 2018, các dự án quốc tế là nguồn lực tài chính chủ yếu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh Thanh Hóa với tỷ lệ từ 80-86%. Từ năm 2019 đến nay, các dự án chỉ hỗ trợ khoảng 40% tổng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Các nguồn kinh phí khác từ ngân sách địa phương cấp (tỉnh, huyện, xã), Bảo hiểm y tế, nguồn đóng góp của người nhiễm HIV còn hạn chế. Qua phân tích tình hình tài chính, để đáp ứng được nhu cầu phòng, chống HIV/AIDS nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Thanh Hóa còn thiếu hụt một lượng kinh phí đáng kể.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND về việc đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Thanh Hóa sẽ có kế hoạch phân bổ nguồn tài chính cần thiết để đảm bảo cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có, tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy tinh giảm và tiết kiệm. Bên cạnh đó, Thanh Hóa sẽ phối hợp với các đơn vị, ngành liên quan vận động và huy động nguồn viện trợ Quốc tế để thu hẹp khoảng trống thiếu hụt về kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, cũng như tận dụng và huy động sự tham gia cung cấp dịch vụ và đầu tư của các tổ chức xã hội, quỹ, doanh nghiệp, người nhiễm HIV và những nhóm nguy cơ cao có khả năng tự chi trả.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẳng định: Dịch HIV/AIDS ở Thanh Hóa vẫn trong giai đoạn tập trung ở những người có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, người mua bán dâm. Số người nhiễm HIV phát hiện chính ở nhóm người nghiện chích ma túy là 64,3%, lây chủ yếu qua đường máu 64,1%, phân bổ ở nam giới 78,2% và trong độ tuổi 20-39 tuổi (85%)...

Trong giai đoạn mới, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Thanh Hóa sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt hiện nay các nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đang dần bị cắt giảm. Chính vì vậy, trong thời gian tới để Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh mong Bộ Y tế xem xét ưu tiên phân bổ ngân sách Chương trình mục tiêu Y tế dân số cho việc triển khai hoạt động thuộc Dự án Phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Thanh Hóa; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Y tế quan tâm, tạo điều kiện để tỉnh được tiếp nhận, tham gia các dự án viện trợ quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương… Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên và tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu 90-90-90; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%; giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Hoa Mai (TTXVN)
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống ma túy và HIV/AIDS
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống ma túy và HIV/AIDS

Ngày 24/9, tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN