Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăt Tô hiện đang quản lý hơn 30.000 ha rừng. Trong đó có hơn 9.000 ha diện tích giao cho cộng đồng ở 46 thôn, làng của 17 xã thuộc 3 huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Tô quản lý, bảo vệ. Bình quân, mỗi năm, số tiền thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng khoảng 10 tỷ đồng. Đây là nguồn thu ổn định, bền vững, phù hợp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây. Anh A Định, trưởng thôn Đăk Pung xã Đăk Rơ Nga huyện Đăk Tô cho biết: thôn hiện đang nhận quản lý, bảo vệ 220 ha rừng ở xã Đăk Rơ Nga.
Từ ngày nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp thôn Đăk Pung chủ động hơn trong các hoạt động mang tính cộng đồng. Hàng năm, chúng tôi tổ chức các ngày lễ lớn như ngày hội Đại đoàn kết, Bánh chưng xanh…nhưng không cần phải kêu gọi người dân ủng hộ. Thôn trích nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho các hoạt động trên. Từ các hoạt động cộng đồng, từ đó người dân đoàn kết, gắn bó hơn. Ngoài ra, nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng giúp thôn chủ động hỗ trợ mua sách, vở cho con em đến trường; mua bóng đèn chiếu sáng đường trong thôn; chủ động tu sữa nhà rông khi hư hỏng; Hỗ trợ lương thực cho hộ khó khăn. Ngoài ra, những người đi tuần tra quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đều được hỗ trợ 150 nghìn đồng/người/ngày. Có nguồn thu ổn định, cánh rừng do thôn Đăk Pung quản lý, bảo vệ được bình yên và ngày một xanh tốt.
Việc chi trả tiền cho cộng đồng ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô khi tham gia quản lý, bảo vệ rừng đều được thực hiện công khai, minh bạch. Cụ thể, khi chi trả, thôn đều tổ chức họp, công khai đầy đủ các nguồn thu, chi cho mọi người nắm rõ. Thu nhập có được từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chia đều cho mọi người.
“Giao cho cộng đồng sẽ minh bạch. Khi đi lên rừng, lên rẫy, có việc người dân đều báo cho cộng đồng. Vì rừng giao cho cộng đồng nên ai cũng có trách nhiệm chung. Có nguồn thu trên, người dân cũng tự chủ trong tổ chức các hoạt động của cộng đồng. Nhờ vậy, cộng đồng sẽ gắn kết, đoàn kết cùng thực hiện việc chung”, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăt Tô khẳng định.
Ngoài ra, nhờ chủ động nên các hư hỏng điện, đường, nhà rông của làng…. đều được kịp thời khắc phục, sửa chữa. Với những trường hợp đột xuất, chủ rừng có thể tạm ứng kinh phí cho cộng đồng thực hiện. Nhờ vậy, các thôn, làng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đều có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, đảm bảo phục vụ cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Với chủ rừng, nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp công ty có kinh phí để hỗ trợ trong việc quản lý bảo vệ rừng. Nguồn thu trên góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người lao động. Cùng đó, chủ rừng có kinh phí mua sắm trang thiết bị đồ bảo hộ, phòng cháy chữa cháy; chi cho người lao động hợp đồng thêm… Nhờ vậy, các cánh rừng ở Kon Tum ngày một thêm xanh.
“Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều năm qua, góp phần không nhỏ vào việc giữ màu xanh cho rừng ở Kon Tum. Ngoài ra, từ nguồn thu trên mà người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ cơ bản đã ổn định cuộc sống. Người dân có thể “dùng rừng nuôi rừng” từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Có nguồn thu sẽ giúp công ty có nguồn tài chính ổn định để hoạt động, người dân có “lương”, gắn quyền lợi của mình với rừng” ông Nguyễn Thành Chung chia sẻ.