Đa dạng hoạt động hỗ trợ nông dân Ninh Thuận phát triển sản xuất

Tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ; đồng thời tích cực vận động nông dân đoàn kết, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn để vượt qua đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, anh Châu Thành Bá (xã An Hải, huyện Ninh Phước) có điều kiện mở rộng diện tích trồng cây măng tây xanh để vươn lên làm giàu. 

Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn dân cư và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp hội viên thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Theo Hội Nông dân tỉnh, trong 9 tháng năm 2021, các cấp Hội đã tạo điều kiện hỗ trợ 244 hộ dân vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng, triển khai 23 dự án trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành nghề khác. Các cấp Hội phối hợp ủy thác, tín dụng với các Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 18.542 hộ vay vốn với tổng dư nợ đến nay trên 615 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 18.012 hộ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ đến nay trên 1.213 tỷ đồng để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình: Trồng nho, táo, măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Ninh Hải, Ninh Phước); “1 phải 5 giảm” trên cây lúa (huyện Ninh Phước, Thuận Nam); chăn nuôi cừu, dê, bò vỗ béo (huyện Bác Ái, Thuận Bắc); sản xuất muối hạt, nuôi cá bớp, tôm hùm (huyện Ninh Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm); trồng bưởi da xanh, ngô lai (huyện Bác Ái); trồng cây ăn quả đặc sản (huyện Ninh Sơn); các tổ, đội đoàn kết tàu “67” tham gia khai thác hải sản xa bờ.

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất, tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất cây măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) giúp nông dân đồng bào Chăm vươn lên thoát nghèo.

Anh Châu Thành Bá, thành viên Hợp tác xã chia sẻ, trước đây 4 sào đất rẫy của gia đình anh trồng nhiều loại cây nhưng do đất cát pha, lại thiếu nước tưới nên năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Được Hợp tác xã vận động, Quỹ Hội Nông dân hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng, gia đình mạnh dạn đầu tư kinh phí khoan giếng, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và chuyển toàn bộ diện tích đất rẫy sang trồng măng tây xanh.

Anh Bá cho hay, cây măng tây khá dễ trồng, người trồng bón phân theo định kỳ, còn hằng ngày chỉ cần tưới nước, kiểm tra sâu bệnh, buổi sáng hái măng, thu hoạch liên tục trong vòng ba tháng, nghỉ một tháng để dưỡng cây. Đến nay, vườn măng tây xanh cho thu hoạch bình quân mỗi tháng trên 300 kg măng, Hợp tác xã thu mua với giá 50.000 đồng/kg. Nhờ đó, đời sống kinh tế ổn định, gia đình đã trả được toàn bộ số tiền đã vay.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Tuấn Tú cho biết, Hợp tác xã hiện có 64 thành viên tham gia liên kết sản xuất 53 ha măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Trong quá trình hoạt động, từ năm 2018 đến nay, Hợp tác xã được Hội Nông dân tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ cho 15 hộ thành viên của Hợp tác xã thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền 830 triệu đồng để trồng cây măng tây xanh. Nhờ ký hợp đồng với công ty nên đầu ra, giá cả thu mua sản phẩm của Hợp tác xã khá ổn định ngay cả trong mùa dịch COVID-19. Đến nay, toàn bộ 15 hộ thành viên trên đều đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên vùng đất cát.

Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, các hội viên nông dân có điều kiện đầu tư, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 13 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và 5 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cừu, dê, bò với các cơ sở giết mổ. Trong số đó, điển hình như chuỗi liên kết sản xuất ngô giống quy mô 570 ha với 1.450 hộ tham gia (huyện Ninh Sơn); liên kết trồng nho theo mô hình cánh đồng lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 30 ha với 76 hộ tham gia (huyện Ninh Hải); liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp quy mô trên 2.224 ha với 5.506 hộ dân tham gia; liên kết sản xuất măng tây xanh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn quy mô gần 80 ha với 150 hộ dân tham gia (huyện Ninh Phước).

Tăng cường các biện pháp hỗ trợ

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương của nông dân thị trấn Khánh Hải (huyện Ninh Hải) cho hiệu quả kinh tế cao. 

Theo đánh giá, nhờ liên kết sản xuất, sản phẩm nông sản hàng hóa của nông dân được tiêu thụ qua các kênh phân phối khác nhau thông qua hệ thống các chợ, thương lái, hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò, thời tiết diễn biến thất thường khiến đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp thiếu tính ổn định, giá cả sụt giảm. Trong khi đó, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về của người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết, khắc phục những khó khăn trên, từ nay đến cuối năm Hội Nông dân tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành, ngân hàng, doanh nghiệp tập trung huy động các nguồn lực tiếp tục hỗ trợ hội viên vay vốn, hỗ trợ thiết bị, vật tư nông nghiệp; tạo điều kiện giúp các hội viên đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, Hội kết hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, tổ chức hội nghị đầu bờ, hội thảo... để nhân rộng những cách làm hay, mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Hội Nông dân tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ hội viên khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo của nông dân để khai thác, phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương. Cùng với đó, Hội tăng cường hỗ trợ hội viên xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản, hàng hóa trên thị trường thông qua quản lý, cấp phát tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, mùa mưa bão đã cận kề, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền hội viên tăng cường phòng, chống dịch và đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ nông dân duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp cùng ngành Công Thương, các địa phương hỗ trợ nông dân, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực giúp người nông dân yên tâm duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống, góp phần từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân
Kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân

Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 tại Long An diễn biến phức tạp khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy, lưu thông hạn chế, sức mua thấp, thị trường xuất khẩu khó khăn... Do đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN