Xây thế hệ người nông dân mới, xứng đáng là 'chủ thể' của nông thôn mới

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta. Hoạt động sản xuất nông nghiệp tuy có ảnh hưởng nhưng vẫn được duy trì ổn định, tiếp tục giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế quốc gia.

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2021), phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về những giá trị truyền thống, tinh thần yêu nước của giai cấp nông dân, cũng những nỗ lực của các cấp Hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua. Đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm hướng tới dựng xây thế hệ người nông dân mới, xứng đáng với vai trò “chủ thể” của nông thôn mới. 

Chú thích ảnh
 Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thưa ông, ông có thể cho biết vai trò, vị trí chính trị của giai cấp Nông dân từ khi có Đảng lãnh đạo?

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 03-02-1930, vai trò, vị trí của người nông dân Việt Nam đã được nhìn nhận đúng đắn và toàn diện hơn bất kỳ thời đại nào trong lịch sử trước đó. Giai cấp Nông dân được Đảng chính thức đặt vào vị trí chính trị nền tảng, trở thành một bộ phận chủ chốt của liên minh Công – Nông và đội ngũ trí thức, do giai cấp Công nhân lãnh đạo. Lực lượng ấy đã được tổ chức thành đội quân kiên trung và mạnh mẽ, thực hiện thành công cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc và Cách mạng dân chủ nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 (nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); đánh đuổi thực dân, đế quốc ra khỏi bờ cõi, thu giang sơn về một mối vào (1975); đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội, từng bước đổi mới đất nước, thực hiện Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và dần bắt kịp dòng phát triển chủ lưu của thế giới.

Nhìn nhận về vai trò và sức mạnh của giai cấp nông dân, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, người sáng lập và huấn luyện Đảng ta từ những ngày đầu của cách mạng, đã có những nhận định rất sâu sắc. Ngay từ rất sớm, trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), Người đã nhìn thấy: “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng, thì phải tổ chức nhau kiếm đường giải phóng”, lúc đó, Người gọi tổ chức đó là “Tổ chức dân cày”.  Trong thư gửi Hội nghị cán bộ nông dân cứu quốc toàn quốc (tháng 11-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh…”.

Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba, khóa II (năm 1952), một lần nữa Người đã khẳng định: “Nông dân là tối đại đa số trong Nhân dân nước ta, là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến… Vai trò, vị trí của giai cấp nông dân và tổ chức Hội đã được khẳng định thống nhất trong nhiều văn kiện quan trọng khác của Đảng trong suốt 9 thập kỷ qua.

Ông có thể cho biết những đóng góp của hội viên nông dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19?

Thứ nhất, đó là lòng yêu nước và những giá trị truyền thống của người nông dân đã được phát huy mạnh mẽ. Tính đến cuối tháng 9/2021, các cấp Hội đã cử cán bộ và vận động hội viên nông dân tự nguyên tham gia và duy trì hoạt động của hơn 62.000 tổ COVID-19 cộng đồng, hơn 25.400 tổ nhân dân tự quản “Giữ chặt vùng xanh” và hơn 14.000 tổ xung kích tình nguyện để giúp chính quyền địa phương và ngành y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Chương trình “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình”do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, vận động cán bộ hội viên, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội chống dịch với khối lượng trên 9.600 tấn nông sản, gần 180 tỷ đồng tiền mặt và giá trị hàng hóa thiết yếu. Hiện nay, chương trình vẫn được tiếp tục và đã có thêm hơn 3.000 tấn nông sản, tiền mặt cùng cùng vật tư hàng hóa được đăng ký quyên góp trị giá hơn 31 tỷ đồng để giúp đỡ, hỗ trợ người dân khó khăn vùng dịch bệnh.

Trong những tháng ngày đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, đặc biệt trong 3 tháng vừa qua, tinh thần ấy lại bừng dậy đối với người nông dân cả nước thông qua các hoạt động góp tiền của, công sức và nông sản tiếp tế. Các cấp Hội ở cơ sở đã cử cán bộ tham gia và vận động hàng ngàn hội viên nông dân “vùng xanh” tham gia giúp nông dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng thực phẩm, nấu ăn tại các khu vực phong tỏa, các điểm cách ly ở các địa phương. Nhiều mô hình sáng tạo của nông dân đã được thực hiện có hiệu quả như “Tổ hỗ trợ nông vụ”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, mô hình “Hỗ trợ mua hàng thiết yếu cho nông dân”… được phát triển, nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Các cấp Hội đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng chục vạn tấn nông sản tại các địa phương đang thực hiện giản cách xã hội. Nhiều điển hình cá nhân nông dân trong nước đã tình nguyện đóng góp tài sản gia đình như tiền tiết kiệm dưỡng già, ao cá, vườn cây, quyền sử dụng đất…

Trong đại dịch COVID-19, kinh tế nông nghiệp có những tổn thất lớn. Nông sản làm ra nhiều nhưng bị nghẽn dòng lưu thông phân phối ra thị trường. Tuy nhiên, tổ chức Hội cũng như phần lớn hội viên nông dân trong cả nước đã không ỉ lại vào sự hỗ trợ, cứu trợ của Nhà nước, mà chủ động tìm giải pháp tiêu thụ nông sản. Các cấp Hội cũng đã có nhiều giải pháp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản cho nhà nông bằng các hình thức “Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân”, “Điểm tiêu thụ nông sản cho nông dân” và nhiều hình thức khác, đồng thời tham mưucho cấp ủy, chính quyền trong việc thiết lập các “luồng xanh” hỗ trợ lưu thông nông sản nhanh từ nông thôn đến các vùng đô thị.

Trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, khu vực nông thôn vừa trở thành “hậu phương lớn”, vừa là quê hương bao dung nhân ái đón những người khó khăn từ thành phố trở về, làm dịu, chữa lành những tổn thất, mất mát. Nông nghiệp dù gặp nhiều khó khăn, nhưng không làm cho người nông dân cả nước mất tinh thần. Ngược lại, họ vẫn tiếp tục làm được điều quan trọng cho nước: Giữ được sự lạc quan, tin tưởng vào an ninh lương thực, ổn định xã hội và “trụ đỡ” vững vàng khi nền kinh tế gặp rung lắc, khó khăn. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong 9 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ được mức tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Riêng xuất khẩu nông, thủy sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao sau 7 tháng vừa qua (tăgn 15,2%, đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD.  

Chú thích ảnh
Đoàn công tác thăm mô hình trồng chè của gia đình chị Đinh Thị Khang, thôn Hòa An, xã Thái Bình.
Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Xin ông cho biết, những giải pháp để phát huy vai trò của nông dân trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới?

Để tiếp tục gìn giữ, phát huy, khơi dậy những phẩm chất cao đẹp của người nông dân trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế hiện nay, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam chúng ta cần chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường liên minh Nông dân- Công nhân- Trí thức, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xã hội trong xây dựng giai cấp nông dân. Trước hết Đảng cần có nghị quyết chuyên đề về xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế để thống nhất lãnh đạo nhằm thực hiện cho được bốn mục tiêu cốt yếu: Nông dân phải trở thành lực lượng lao động tiên tiến, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; nông dân phải là lực lượng chính trị - xã hội vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trình độ và năng lực làm chủ nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; Nông dân là lực lượng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ở nông thôn; nông dân phải được hưởng thụ xứng đáng với những công sức và những đóng góp đối với đất nước.

Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế, chính sách mạnh, đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư về nông thôn, tập trung cho kết cấu hạ tầng, điện, giao thông, thủy lợi, khoa học- công nghệ, chế biến nông sản, dạy nghề cho nông dân. Nhà nước tiếp tục nghiên cứu tạo cơ chế,chính sách hợp lý cho nông dân vay vốn được thuận lợi để phát triển sản xuất, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen ở nông thôn.

Bên cạnh đó, có chính sách chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thu hoạch, chế biến nông sản; khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất và tiêu thụ giữa người sản xuất với người tiêu dùng thông qua các dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, nhất là cần có chiến lược về giống cây trồng, vật nuôi để nhà nông chủ động trong sản xuất…

Thứ ba, gắn phát huy vai trò chủ thể của nông dân với xây dựng con người mới; phát huy vai trò chủ thể của nông dân chính là xây dựng và phát huy yếu tố con người; xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là vấn đề phát triển về số lượng, mà điều cốt lõi là phải tạo cho được sự biến đổi về chất lượng chính trị của nông dân, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước..

Thứ tư, quan tâm xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, thực sự đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cho nông dân. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách cụ thể để xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, phải giao nhiệm vụ cụ thể để Hội Nông dân tham gia trực tiếp các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. 

Đồng thời, cần duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại với nông dân ở các cấp; phát huy và nâng cao khả năng phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tới đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của nông dân, đặc biệt là Hội Nông dân, làm cho nông dân có ý thức rõ ràng về sứ mệnh, vai trò của mình là chủ thể, là nhân tố trung tâm của quá trình phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Bình (TTXVN)
Công nhận huyện Ninh Giang (Hải Dương) đạt chuẩn nông thôn mới
Công nhận huyện Ninh Giang (Hải Dương) đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 9/10, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1688/QĐ-TTg công nhận huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN