Cuộc sống mới trên vùng cao Mù Cang Chải

Những năm qua, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã triển khai hiệu quả nguồn lực, đa dạng hóa sinh kế, khơi dậy khát vọng thoát nghèo của người dân…

Bẵng đi thời gian dài, dịp này trở lại vùng đất Mù Cang Chải- huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, với 96% là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mông), chúng tôi thật bất ngờ khi chứng kiến những cung đường xuống xã, về bản được mở rộng, bê tông hóa bằng phẳng, xanh mát bóng cây.

Chú thích ảnh

Mù Cang Chải hôm nay, tuy vẫn nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng khát vọng thoát nghèo của đồng bào nơi đây đã và đang được đánh thức bằng việc thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước, những chương trình, dự án xoá đói giảm nghèo được địa phương triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Chú thích ảnh
Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mù Cang Chải họp.

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều của huyện Mù Cang Chải đã đạt con số 12,42%, bằng 114% kế hoạch được giao. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng ngày một ấm no, tươi sáng hơn. Mục tiêu phấn đấu của Mù Cang Chải là thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ, trở thành huyện du lịch với điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện và đến năm 2025 cơ bản ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, đây là kết quả của việc huyện đã đổi mới cách tiếp cận, đưa hộ nghèo trở thành chủ thể thực sự của chương trình giảm nghèo bền vững, đặc biệt chú trọng việc huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, nhất là tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách, ưu tiên đầu tư kịp thời, đúng đối tượng, trúng mục tiêu cho công tác giảm nghèo…

Chú thích ảnh
Một điểm giao dịch của NHCSXH tại xã.

Đúng như đánh giá của Bí thư Huyện ủy, thành quả đạt được trên vùng núi cao Mù Cang Chải, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng thực hiện tích cực của đồng bào các dân tộc, thì không thể không kể đến sự đóng góp của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại địa bàn suốt 22 năm qua, góp phần hỗ trợ hiệu quả huyện hoàn thành các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải, ông Bùi Văn Hóa, là người quê vùng lúa Thái Bình, đã lên miền núi Tây Bắc làm công tác tín dụng chính sách từ những năm cuối thế kỷ 20, được nhiều người dân Mông, Thái tin yêu bởi sự nhiệt thành, bền bỉ, tận tâm với người nghèo, với vùng dân tộc thiểu số Mù Cang Chải.

Ông Bùi Văn Hóa chia sẻ: Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập (năm 2003), đơn vị đã gặp bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Đến nay, thiên tai vẫn thường xuyên ập đến, lũ quét,  rồi khi thời tiết giá rét, dịch bệnh lây lan...  khó khăn chồng khó khăn, nhưng toàn đơn vị, với quyết tâm bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, đã dốc sức, đồng lòng thực thi nhiệm vụ, tập trung huy động nguồn lực và chuyển tải kịp thời nguồn vốn về tận làng bản, đến đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm nên kết quả huy động nguồn vốn của đơn vị tăng lên hàng năm, đến 30/6/2024 đạt xấp xỉ 470 tỷ đồng, tăng 58 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 99,4% kế hoạch giao.

Chú thích ảnh
Nhiều hộ sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển kinh tế.

Kết quả này khẳng định sự nỗ lực của NHCSXH huyện Mù Cang Chải trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, huy động được nguồn vốn lớn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Kết quả đó cũng khẳng định cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của địa phương đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, thông qua công tác chỉ đạo quyết liệt việc chuyển giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối là NHCSXH để sử dụng, quản lý theo quy định, đồng thời cân đối bổ sung ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tăng thêm nguồn lực cho vay các đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn.

Chú thích ảnh
Nhiều hộ sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển kinh tế.

Toàn bộ nguồn vốn do Trung ương cấp, trong đó có 10,6 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương chuyển sang đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Yên Bái chuyển về đúng địa chỉ, đối tượng thụ hưởng thông qua 14 Điểm giao dịch xã, với 188 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở khắp thôn bản, cụm dân cư, giúp người dân có vốn chủ động tổ chức sản xuất, tạo nguồn thu.

Nhờ sự tận tâm, bền bỉ chuyển tải đồng vốn ưu đãi của Nhà nước về tận bản làng xa xôi hẻo lánh vào việc thực hiện “3 bám” (bám dân, bám bản, bám đối tượng chính sách) để “3 cùng” (cùng làm, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể và cùng hướng dẫn hộ nghèo), giúp đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả của những cán bộ tín dụng chính sách vùng cao, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 2.136 khách hàng ở 14/14 xã được vay, với số tiền 103 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín cả vùng núi cao Mù Cang Chải rộng 1.199 km2, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mua được 1.250 con bò, nuôi vỗ béo 700 con lợn, phát triển đàn dê 850 con, khai hoang ruộng 16,5 ha, giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, xây dựng, cải tạo 51 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn…

Chú thích ảnh
Nhiều địa phương, đơn vị sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển kinh tế.

Minh chứng sinh động tại xã Chế Cu Nha, nhờ đồng vốn ưu đãi, đã thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống, tập hợp những phụ nữ người Mông trong xã khôi phục nghề dệt, nghề vẽ hoa văn trên sáp ong để bán cho khách du lịch, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Bà Lý Thị Ninh, tổ trưởng tổ thêu dệt ở bản Dề Thắng, xã Chế Cu Nha phấn khởi khoe: Phụ nữ người Mông hôm nay không những biết sử dụng vốn vay ưu đãi biết thêu thùa, dệt sợi, mà còn biết cách làm giàu bằng cách hướng dẫn phục vụ du khách ngắm ruộng bậc thang đấy.

Còn ở bản Hua Khắt, xã Nặm Khắt, có ông Thào A Phổng, đã vay vốn chính sách lập được trang trại chăn nuôi lợn rừng, kết hợp với trồng cây ăn quả, mỗi năm thu lợi hơn 200 triệu đồng, thoát khỏi danh sách hộ nghèo, đạt danh hiệu thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.

Công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững ở Mù Cang Chải đã đạt được những thành tựu lớn lao. Trong đó, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH cũng đã góp phần quan trọng thực hiện công cuộc này suốt 22 năm qua.

Những cán bộ tín dụng chính sách vùng núi này, vốn không thỏa mãn với những gì đã làm được cho người nghèo và các đối tượng chính sách, sẽ vẫn tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, luôn căn cứ vào sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của địa phương, tập trung huy động nguồn lực tốt hơn, nhiều hơn, chuyển tải kịp thời, an toàn, đẩy đủ tới các làng bản, phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo bền vững, dựng xây cuộc sống mới ấm no, tươi sáng

Minh Uyên
Trên 59.000 hộ thoát nghèo từ dòng vốn tín dụng chính sách
Trên 59.000 hộ thoát nghèo từ dòng vốn tín dụng chính sách

Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy đảng tỉnh Kiên Giang đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN