Chuyển đổi số tại khu vực Trung Trung Bộ - Bài cuối: Tăng tốc để phát triển

Dưới sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, 4 tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ đã tận dụng lợi thế, đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số ở từng địa phương.

Chú thích ảnh
Thao tác quét mã QR tại Diễn đàn về Giải pháp công chứng trực tuyến Make in Vietnam. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Chuyển đổi số có tác động sâu rộng, bao trùm ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội. Ở địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số phù hợp với tình hình thực tế mỗi nơi. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Các địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Dưới sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, 4 tỉnh, thành phố khu vực Trung Trung Bộ nước ta đã tận dụng lợi thế, đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số ở từng địa phương.

Toàn diện - toàn dân

Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện, cho phép đưa toàn bộ hoạt động từ không gian thực lên không gian số nhanh chóng theo 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã so sánh, chuyển đổi số giống như việc khai phá vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa, tạo ra nhiều cơ hội phát triển mới cho đất nước. 

Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần sự quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân bởi công cuộc này chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chuyển đổi số là con đường phát triển đúng đắn và bền vững nhất. Do đó, để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam cần làm chủ 4 yếu tố. Thứ nhất là làm chủ hạ tầng số, bởi hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Thứ hai là các nền tảng số, đây là cách thức để đưa ra giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy Chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Thứ ba là làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp. Thứ tư là làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Vietnam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Hiện tại, với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững vàng để hình thành ngành công nghiệp công nghệ có hàm lượng chất xám cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Sản phẩm công nghệ sẽ mang đến đột phá trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Tận dụng những lợi thế riêng có, các địa phương trong cả nước đã tiến hành chuyển đổi số trên những lĩnh vực ưu tiên, có thế mạnh. 

Đột phá từ mỗi địa phương

Chú thích ảnh
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Cuối tháng 4/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2020. Theo đó, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu (với điểm số 0.9238) và duy nhất 12 năm liên tiếp giữ ngôi đầu bảng xếp hạng đối với khối tỉnh, thành trong cả nước.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ, chuyển đổi số là động lực để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố. Đà Nẵng đã đề ra mục tiêu, đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN. Thành phố đã xác định quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy xây dựng chính quyền số làm động lực để dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng: Đà Nẵng là địa phương tiềm năng nhất của cả nước trong thực hiện chuyển đổi số nhờ mức độ sẵn sàng cao, được tích lũy sau quá trình nỗ lực lâu dài, quy mô dân số lý tưởng, bộ máy lãnh đạo và đội ngũ thực thi hiệu quả. Trong năm 2021, thành phố Đà Nẵng cần đạt mục tiêu 100% số dịch vụ hành chính công ở mức độ 4, chủ động cung cấp dịch vụ công cá nhân hóa cho người dân, doanh nghiệp.

Theo dõi quá trình thực hiện chuyển đổi số thời gian qua của Đà Nẵng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đánh giá cao tinh thần quyết tâm của lãnh đạo và sự đồng lòng của người dân khi tham gia chuyển đổi số. Tuy nhiên, để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, Đà Nẵng cần xây dựng các chương trình cụ thể, phù hợp ở từng ngành, lĩnh vực, xã, phường. Tiến sỹ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam thì cho rằng, chuyển đổi số tại Đà Nẵng cần tập trung đầu tư vào 2 nội dung trọng điểm là chính quyền số và kinh tế số, từ đó Đà Nẵng sẽ tập trung vào vấn đề chuyển đổi số dịch vụ công và doanh nghiệp.

Đứng thứ 2 trên bảng Vietnam ICT Index 2020 là tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sự kiện “Tuần lễ Chuyển đổi số Huế - 2021” vừa diễn ra tại địa phương này với nhiều nội dung quan trọng. Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu khẳng định, chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Chuyển đổi số tác động ngày càng mạnh mẽ sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, chính quyền và người dân Thừa Thiên - Huế đã quyết tâm thay đổi tư duy và hành động, nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội mà chuyển đổi số mang lại, coi đó là giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá cao quyết tâm của người đứng đầu, đội ngũ lãnh đạo địa phương đã có tư duy đột phá trong triển khai chuyển đổi số. Để công cuộc chuyển đổi số nhanh, mạnh, hiệu quả  hơn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ: Tỉnh Thừa Thiên - Huế cần lựa chọn một số mục tiêu đột phá để triển khai trong năm 2021, như là đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4; dịch vụ công trực tuyến phát triển hồ sơ lên 50% và xử lý hồ sơ hoàn toàn trực tuyến lên trên 50%; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn...

Quảng Trị và Quảng Ngãi còn gặp nhiều khó khăn nên quá trình chuyển đổi số bắt đầu muộn hơn và cũng còn nhiều vướng mắc khi tiến hành bởi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, kinh phí còn hạn chế… Tuy vậy, việc chuyển đổi số chưa diễn ra sâu rộng ở 2 tỉnh này cũng là do chưa nhận thức hết tầm quan trọng của chuyển đổi số, chưa triệt để ứng dụng công nghệ số.

Thời gian tới, các địa phương này cần tăng cường quyết tâm khai ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị, truyền thông sâu rộng về vai trò, hiệu quả của công tác chuyển đổi số tới các doanh nghiệp và người dân. Về nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn chế, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, các địa phương cần coi chuyển đổi số như hoạt động đầu tư.  Tại các nước phát triển nhanh như Hàn Quốc hay Singapore, Chính phủ dành từ 2 - 4% GRPD để đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin (ICT) và cần duy trì trong thời gian dài. Tại Việt Nam, Chính phủ đã đề nghị các địa phương dành ít nhất 1% ngân sách hàng năm cho ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong câu chuyện chuyển đổi số, nếu nói sẽ chi bao nhiêu thì chưa đủ mà cần phải chi thế nào đúng, hiệu quả. Thực tế là làm thế nào để chi đúng là rất khó, bởi các gói phần mềm là tài sản vô hình nên bài toán chi đảm bảo hiệu quả là một thách thức. Do đó, để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, rộng khắp thì việc cấp kinh phí cho chuyển đổi số cần được xem xét như hoạt động đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đo đếm được.

Do vậy, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ tích cực hỗ trợ các địa phương xác định chi phí cho chuyển đổi số. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có trách nhiệm hỗ trợ tích cực cho các địa phương, trong đó có khu vực Trung Trung Bộ về chuyển đổi số. Bộ tin tưởng rằng quá trình chuyển đổi số tại các địa phương khu vực Trung Trung Bộ trong thời gian tới sẽ có điểm bứt phá, tăng tốc để cùng các địa phương khác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ngọc Bích (TTXVN)
Chuyển đổi số tại khu vực Trung Trung Bộ - Bài 4: Giải quyết các 'điểm nghẽn'
Chuyển đổi số tại khu vực Trung Trung Bộ - Bài 4: Giải quyết các 'điểm nghẽn'

Với những nền tảng xã hội sẵn có như hiện nay, chuyển đổi số không yêu cầu quá nhiều về cơ sở vật chất mà cần nhất là thay đổi trong tư duy. Vì vậy, những định hướng rõ ràng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính quyền các địa phương, sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng, xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN