Đây cũng là biện pháp hiệu quả góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số của địa phương.
Người dân và doanh nghiệp là trung tâm
UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai nền tảng ứng dụng “Đồng Nai chuyển đổi số”, giúp người dân dễ dàng tìm kiếm cơ hội công việc, sử dụng nhiều tiện ích khác ở mọi nơi, mọi lúc.
Anh Đinh Văn Sơn (thành phố Biên Hoà) hào hứng chia sẻ, ứng dụng Đồng Nai chuyển đổi số thực sự giúp ích rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày của anh. Người thân và bạn bè của anh khi tiếp cận với các tính năng tiện ích về thủ tục hành chính, dịch vụ thuê nhà, dịch vụ khuyến mại, dịch vụ việc làm, tra cứu điện, nước, tuyến xe công cộng, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, tin tức về Đồng Nai…
Phiên bản Đồng Nai chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp được tích hợp các tính năng như: dịch vụ công, diễn đàn các doanh nghiệp, thuế, giới thiệu sản phẩm, hải quan, bảo hiểm… cập nhật đầy đủ những thông tin hữu ích và cần thiết cho doanh nghiệp.
Đồng Nai có khoảng 52.000 doanh nghiệp, trong đó có số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong một số lĩnh vực chủ yếu như: phân phối, bán lẻ chiếm (khoảng 36%); công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng (khoảng 39%)...
Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh Đoàn Đồng Nai đã lựa chọn 5 công ty công nghệ là Callio, Busmap, Chatbot Vietnam, 1Office, ILOKA để ký kết hợp tác chiến lược về việc triển khai Phần mềm quản lý kinh doanh, tập trung cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên toàn tỉnh.
Callio hiện đang có 7 đơn vị tại Đồng Nai áp dụng trong quản lý bán hàng, giao tiếp với khách hàng. Ông Giang Thiên Phú - CEO Callio khẳng định, các doanh nghiệp trẻ ở Đồng Nai hoàn toàn có thể tạo ra đòn bẩy để mở rộng thị trường ra quốc tế, miễn là có sản phẩm chất lượng tốt. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần đưa sản phẩm ra thị trường thông qua các phương tiện công nghệ, thương mại điện tử.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai Tạ Quang Trường, Đồng Nai đang thực hiện các cơ chế để tạo động lực cho các doanh nghiệp số tham gia thí điểm các mô hình chuyển đổi số, phục vụ tiện ích cho cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả triển khai có đánh giá, tổng kết để đưa ra mô hình phù hợp nhất cho tỉnh Đồng Nai, đảm bảo tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả khi đưa vào khai thác sử dụng thực tế. Tỉnh thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để giới thiệu các nền tảng số của các doanh nghiệp số như: thanh toán trực tuyến, sàn thương mại điện tử, sách nói, ứng dụng “Đồng Nai chuyển đổi số”... giúp người dân tiếp cận, tương tác, thụ hưởng các dịch vụ số.
Đồng Nai vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia chương trình, sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số tại địa chỉ http://smedx.vn và http://smedx.mic.gov.vn.
Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp như: hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử điển hình, tham gia các sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tư vấn đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, mục tiêu và các điều kiện để thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tỉnh tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, phần mềm ứng dụng chuyển đổi số để triển khai thử nghiệm, tiến tới triển khai chính thức các giải pháp nền tảng. Các mô hình thành công điển hình, giới thiệu các kinh nghiệm thực tiễn, đăng ký hỗ trợ trực tuyến được chú trọng tuyên truyền. Tỉnh triển khai đôn đốc người dân, doanh nghiệp tham gia, sử dụng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân phục vụ cho công việc.
Đồng Nai tiếp tục duy trì và ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp lớn của quốc gia có trụ sở trên địa bàn tỉnh (VNPT, Viettel, FPT...) nhằm có thêm nguồn lực đồng hành trong tham gia triển khai chuyển đổi số lan tỏa đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai thí điểm mô hình cụ thể về hoạt động chuyển đổi số cho một doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo điểm nhấn phổ biến, nhân rộng trên địa bàn tỉnh…
Xây dựng hạ tầng số là cấp thiết
Theo Tiến sĩ Huỳnh Cao Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin dữ liệu (Trường Đại học Lạc Hồng), hạ tầng số đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Hạ tầng viễn thông, kết nối internet là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quá trình chuyển đổi số, bởi nếu hạ tầng này không đáp ứng, gần như không thể làm được gì.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Nai Tạ Quang Trường khẳng định, dữ liệu đang tăng theo cấp số nhân. Do đó, việc xây dựng hệ thống dữ liệu, hạ tầng số là vô cùng cấp bách. Hạ tầng số hình thành mới phát triển, kết nối được các lớp dữ liệu, từ đó phát huy hiệu quả của các ứng dụng, nền tảng số về chính quyền số, kinh tế số, xã hội cũng như đáp ứng các vấn đề về an toàn, an ninh thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho biết, hạ tầng viễn thông cố định, hạ tầng viễn thông di động, hạ tầng internet băng thông rộng chất lượng cao đã được phủ tới 100% các địa phương từ cấp xã đến cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã phát triển mạnh mẽ mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G; đầu tư mua sắm thay thế, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ hoạt động các cơ quan đảng và chính quyền các cấp; tăng cường sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh một cách thống nhất. Đến năm 2025, Đồng Nai đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ các hệ thống sang sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6) đối với toàn bộ hệ thống ứng dụng của tỉnh.
Tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với việc cung cấp dịch vụ giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng đối với hệ thống thông tin tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh Đồng Nai gồm: đánh giá, khắc phục các cảnh báo phát sinh trên hệ thống giám sát an toàn thông tin; triển khai các giải pháp giám sát an toàn thông tin Server Endpoint trên 70 máy chủ; dịch vụ bảo vệ web - Cloudrity thực hiện giám sát, khắc phục, vá các lỗ hổng bảo mật đối với các cổng/trang thông tin điện tử; triển khai các giải pháp bảo vệ cho hệ thống quản lý giám sát an toàn thông tin trên máy chủ, giải pháp phát hiện tấn công APT ở mức mạng, giải pháp quản lý bảo mật tập trung SIEM (hoặc tương đương).
Ở góc độ chuyên môn, theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai, tỉnh tập trung hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án đảm bảo phù hợp với định hướng Năm dữ liệu số. Tỉnh triển khai xây dựng: Cơ sở dữ liệu công bố quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh Đồng Nai trên nền GIS; Cơ sở dữ liệu Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai; Cơ sở dữ liệu số hóa hình ảnh tại di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ;
Cơ sở dữ liệu quản lý điều hành, tác nghiệp ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai; Cơ sở dữ liệu Quản lý đầu tư công và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính tỉnh Đồng Nai; Cơ sở dữ liệu quản lý ngành ngành Thanh tra; Trung tâm Giám sát điều hành cấp tỉnh và một số địa phương; nâng cấp sàn thương mại điện tử tỉnh; các nền tảng số ngành y tế như (quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý tiêm chủng, quản lý Trạm Y tế xã, tư vấn khám chữa bệnh từ xa); Tổng đài dịch vụ 1022, Phòng họp không giấy tờ, Nền tảng mở học đại trà.
Tỉnh tiếp tục xây dựng hoàn thiện và khai thác hiệu quả ứng dụng nền tảng “Đồng Nai chuyển đổi số”. Đưa ứng dụng hoạt động trên AppStore, Chplay để người dùng tải về.
Theo ông Tạ Quang Trường, một số địa phương của tỉnh đã triển khai thử nghiệm phủ sóng Wifi miễn phí tại các nơi công cộng, khu giải trí tại một số địa điểm trung tâm trên địa bàn quản lý để phục vụ người dân truy cập sử dụng mạng internet…