Chủ động triển khai các phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất ở Hậu Giang

Rạng sáng 21/6, tại kênh Mái Dầm thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang xảy ra sạt lở đất làm ảnh hưởng đến 6 hộ dân và đường giao thông nông thôn.

Chú thích ảnh
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang trao kinh phí hỗ trợ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho người dân, mỗi trường hợp là 3 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, vào lúc 3 giờ ngày 21/6, trên đoạn kênh Mái Dầm thuộc ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành xảy ra vụ sạt lở tại phần đất của 6 hộ dân với chiều dài 110 m, sâu vào bờ nơi rộng nhất 8m, làm mất tổng cộng 880m2 đất. Vụ sạt lở cũng làm mất đường giao thông nông thôn, ước thiệt hại 340 triệu đồng.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, sau khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành đã huy động lực lượng và phương tiện để hỗ trợ. Ủy ban nhân dân xã Phú Hữu đã chỉ đạo lực lượng xung kích xã thực hiện các biện pháp khẩn cấp di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, giúp đỡ bà con dọn dẹp điểm sạt lở, công tác khắc phụ đang được thực hiện kịp thời.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang cho biết, tỉnh chủ động xây dựng, cập nhật, triển khai các phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; tổ chức rà soát, cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện xung quanh khu vực sạt lở; triển khai các giải pháp kè bảo vệ; đồng thời huy động các lực lượng để khắc phục hậu quả khi xảy ra sạt lở. Người dân khi phát hiện các dấu hiệu dòng nước xoáy sát, hàm ếch ở bờ sông, kênh, rạch, vết nứt sâu, dài hoặc có dấu hiệu sụt lún, sạt, lở bờ cần nhanh chóng thông báo với chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra 46 điểm sạt lở với chiều dài 1.158 m, diện tích mất đất là 7.005 m2, ước thiệt hại trên 4,5 tỷ đồng; huyện Châu Thành đang trở thành điểm nóng sạt lở với 42 điểm. So với cùng kỳ năm 2022, số điểm sạt lở tăng 34 điểm, chiều dài sạt lở tăng 848 m, diện tích mất đất tăng 5.240 m2, ước thiệt hại tăng trên 3,8 tỷ đồng.

Hồng Thái (TTXVN)
Chia sẻ thông tin quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long
Chia sẻ thông tin quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long

"Sụt lún đất là vấn đề cấp bách ở Đồng bằng sông Cửu Long. Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đồng bằng đang sụt lún 1 cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7cm/năm tại một số địa điểm, trong khi mực nước biển dâng là 3-5mm/năm".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN