Theo bản tin lũ trên các sông ở khu vực tỉnh Đồng Nai của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ ngày 20/9/2024 ghi nhận: Trong 12 giờ qua, mực nước tại trạm Phú Hiệp trên sông La Ngà tiếp tục lên chậm, trạm Tà Lài sông Đồng Nai xuống chậm và vẫn ở mức cao. Đến 7 giờ ngày 20/9, mực nước thực đo tại trạm Tà Lài là hơn 112m, trạm Phú Hiệp hơn 105m.
Cảnh báo trong 24 giờ tới, tại trạm Tà Lài biến đổi chậm và dao động ở mức từ 112,40m đến 112,50m, xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 2.Tại trạm Phú Hiệp lên chậm ở mức dao động 105m, dưới báo động 2.
Khu vực có khả năng xảy ra lũ trên sông La Ngà, đoạn từ thượng nguồn sông Đồng Nai đến địa bàn huyện Tân Phú, Định Quán, thuộc tỉnh Đồng Nai.
Cần đề phòng khả năng mưa lớn, kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt, lở bờ sông, suối các khu vực trũng thấp của huyện Định Quán, Tân Phú và vùng ven sông La Ngà và các địa bàn lân cận ven sông Đồng Nai ở các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh (thuộc huyện Tân Phú) và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định (thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai); các vùng trũng thấp ven sông La Ngà ở các xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán (thuộc tỉnh Đồng Nai); các vùng thấp ven sông ở hạ lưu sông Đồng Nai tại các phường xã thuộc thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành và Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai.
Để chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 4 gây ra như mưa lớn, gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT - TKCN) tỉnh Đồng Nai, đề nghị các Sở, ban ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Văn bản số 34/CV-PCTT ngày 16/9/2024 của Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh về việc chủ động theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể mạnh lên thành bão trên biển Đông, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các địa phương, đơn vị, cơ quan có liên quan cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cảnh báo kịp thời, hướng dẫn kỹ năng ứng phó tình hình mưa, lũ, sạt lở đất đến các cơ quan, tổ chức, các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng, các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản, người dân, khách du lịch tại các khu vui chơi giải trí biết để chủ động ứng phó, phòng tránh thiệt hại do mưa lớn, lũ quét và nguy cơ sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra.
Các địa phương, đơn vị, cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp; có biên pháp tiêu tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Các thành viên trong Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh được phân công theo dõi các địa bàn, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời với bão số 4, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân.
Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, lũ có thể xảy ra trên sông Đồng Nai, sông La Ngà. Khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng thấp và các địa bàn lân cận khác.
Để chủ động ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể gây ra như mưa lớn, dông lốc, gió mạnh, lũ, lũ quét, sạt lở đất,sạt lở bờ sông; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh đề nghị các thành viên Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh; Ban chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa; Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh; Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi; Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, các huyện, thành phố Long Khánh thực hiện một số nội dung quan trọng trước mắt cũng như lâu dài.
Cụ thể như: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNĐ có thể mạnh lên thành bão, nắm bắt kịp thời tình hình thời tiết, thủy văn và tình hình mưa lũ xảy ra trên địa bàn. Tăng cường công tác thông tin truyền thông, cảnh báo kịp thời về diễn biến ATNĐ đến các cơ quan, tổ chức, người dân trên địa bàn biết để chủ động đề phòng, với các tình huống do mưa lớn, dông lốc, gió mạnh, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông có thể xảy ra để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.
Kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm ven sông, ven suối, các vùng thường xuyên có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lớn, chủ động phương án, kế hoạch PCTT - TKCN của ngành, địa phương, đơn vị để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để huy động di dời người và tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công trình đang thi công, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là phải đảm bảo dung tích phòng lũ. Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống sông, suối, kênh mương tiêu thoát lũ trong phạm vi cơ quan, đơn vị quản lý; tổ chức dọn dẹp rác, bùn, phát quang, khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát lũ.
"Các địa phương, đơn vị tổ chức trong tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc thường xuyên báo cáo kịp thời diễn biến tình hình thiên tai về Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh - Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo Trưởng Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý", ông Trần Đình Minh nhấn mạnh.