Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung sống cùng con trai và cháu ngoại tại căn nhà trọ ở xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa. Từ Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, bà xuống đây thuê nhà ở để hàng ngày đi bán hàng rong nuôi con cháu. Khi dịch bệnh ập đến, bà Nhung phải nghỉ bán. Cuộc sống của gia đình ba miệng ăn ngày càng khó khăn, thiếu thốn, đứa cháu ngoại chỉ mới hơn một tuổi thiếu sữa bú.
Biết thông tin Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thủ Thừa thiết lập đường dây nóng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bà Nhung gọi đến và được cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mang tới tặng một phần quà gồm lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đặc biệt, trong phần quà còn có thêm hộp sữa cho đứa cháu ngoại. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, gọi điện đến đường dây nóng, được các chú bộ đội mang gạo, sữa đến cho thế này, tôi mừng lắm”, bà Nhung xúc động nói.
Gia đình bà Nhung chỉ là một trong hơn 3.000 trường hợp khó khăn nhận được sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thủ Thừa. Từ khi thiết lập đường dây nóng hỗ trợ người dân, trung bình mỗi ngày, Ban Chỉ huy Quân sự huyện nhận được trên 50 cuộc gọi nhờ giúp đỡ. Ngay sau khi tổng hợp danh sách, cán bộ, chiến sĩ đơn vị liền chuẩn bị các phần quà, phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức vận chuyển đến trao tận nơi cho từng hộ khó khăn. Phần quà gồm những nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, rau củ… là tấm lòng người chiến sĩ, góp phần giúp nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trung tá Nguyễn Nhất Trung, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thủ Thừa cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đơn vị luôn chủ động đến với người dân bằng nhiều mô hình dân vận, trong đó có đường dây nóng hỗ trợ hàng ngàn suất quà cho người dân.
“Đầu cần chúng tôi có, đâu khó cứ a lô!”, khi người dân cần hỗ trợ hãy gọi vào đường dây nóng, các cán bộ, chiến sĩ sẽ có mặt. Ngoài số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, người dân còn có thể gọi đến số điện thoại của Ban Chỉ huy Quân sự các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để được hỗ trợ.
Mô hình đường dây nóng hỗ trợ người dân chỉ là một trong nhiều mô hình thiết thực mà các đơn vị quân sự trên địa bàn tỉnh Long An triển khai để giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch.
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, từ khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, các cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh đẩy mạnh tăng gia sản xuất kết hợp vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động linh hoạt, sáng tạo, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn như mô hình “phiên chợ”, “gian hàng”, “chuyến xe” 0 đồng, “thiết lập đường dây nóng tiếp nhận cuộc gọi cần giúp đỡ của nhân dân”…với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tiếp tục triển khai chương trình 3.000 phần quà giúp đỡ người dân; hỗ trợ thân nhân cán bộ, chiến sĩ gặp khó khăn trong đại dịch.
Bên cạnh đó, cơ quan Quân sự các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện chương trình an sinh, giúp đỡ người dân khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã cách xã hội như: thành lập tổ đội xung kích đi chợ, mua nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản…
Cùng với các mô hình, hoạt động hỗ trợ người dân, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. Từ khi dịch bùng phát đến nay, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt xuất quân, huy động hơn 11.000 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội thường trực, dân quân tự vệ tham gia phòng, chống dịch với nhiều hình thức khác nhau.
Trong đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia phục vụ bệnh viện dã chiến, khu cách ly, chốt trực phòng, chống dịch trên các tuyến giao thông trong tỉnh; phối hợp với lực lượng Biên phòng thực hiện chốt chặn trên tuyến biên giới không để xảy ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép… Đặc biệt, lực lượng quân y của đơn vị trực tiếp tham gia công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tham gia phòng, chống dịch, nhiều cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện nhiệm vụ suốt nhiều tháng không được về nhà. Có gia đình, cả hai vợ chồng cùng ở tuyến đầu chống dịch, phải gửi con nhỏ cho ông bà. Có người không thể đón con chào đời, cũng có người mất người thân không thể về chịu tang… Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều tạm gác lại những khó khăn, nén đau thương để tập trung thực hiện nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
“Mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm, vinh dự, tự hào khi trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Dù phải tạm gác việc cá nhân, nén nỗi đau thương, các đồng chí vẫn vui vẻ lên đường làm nhiệm vụ. Ở trên tuyến đầu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Long An luôn phát huy truyền thống, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, đem lại bình yên cho nhân dân. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới”, Đại tá Trần Vinh Ngọc, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An cho biết.
Theo Đại tá Trần Vinh Ngọc, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn thể hiện quyết tâm sắt đá, dù hy sinh tính mạng cũng phải bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của nhân dân. Qua đó, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương chiến thắng đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại ổn định, bước sang trạng thái bình thường mới.