Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với tổng mức đầu tư của dự án hơn 585 tỷ đồng. Dự án có quy mô đầu tư gồm: hồ điều tiết dung tích toàn bộ hơn 51 triệu m3, trong đó dung tích hữu ích là hơn 47 triệu m3; hệ hống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án trên 693 ha, trong đó diện tích có rừng là 680 ha (bao gồm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng 162 ha; rừng phòng hộ 0,9 ha; rừng sản xuất 471 ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45 ha). Thời gian thực hiện dự án 2019- 2024.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét là một dự án quan trọng, cần thiết đầu tư nhằm mục tiêu cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt cho người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, do có sự thay đổi về định mức, quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng, bồi hoàn rừng, trồng rừng thay thế và điều chỉnh giá theo thời điểm hiện tại, dự án cần có một số điều chỉnh để thích hợp. Cụ thể như, tổng mức đầu tư dự án tăng 288 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư sơ bộ đã được Quốc hội phê duyệt. Diện tích sử dụng đất của dự án được điều chỉnh thành 697 ha (tăng 4,42 ha so với phê duyệt) và thời gian thực hiện dự án điều chỉnh tăng thêm một năm.
Tại buổi làm việc, để sớm đưa dự án vào triển khai, đáp ứng sự cần thiết đầu tư, thúc đẩy giải ngân, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 đến hết ngày 31/12/2023; đồng thời giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Các thành viên Đoàn công tác đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh dự án như: nguyên nhân, tác động dẫn đến tăng mức đầu tư vốn; công tác trồng rừng thay thế…
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chia sẻ khó khăn với tỉnh Bình Thuận khi phải đối mặt với một trong những rào cản phát triển kinh tế - xã hội đó là tình trạng thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; đồng thời bày tỏ ủng hộ tỉnh đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Với những kiến nghị về việc điều chỉnh dự án, ông Lê Quang Huy yêu cầu tỉnh Bình Thuận chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng tài liệu, báo cáo; phân tích đánh giá nguyên nhân, đầy đủ cơ sở về vấn đề cần kiến nghị điều chỉnh như: tăng mức vốn đầu tư, trồng rừng thay thế... Trên cơ sở đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ có buổi làm việc, thẩm định việc điều chỉnh dự án với các đơn vị liên quan và sớm trình Quốc hội xem xét.
Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát thực địa dự án tại huyện Hàm Thuận Nam.