Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án hồ chứa nước Ka Pét có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận.
Việc đầu tư hồ Ka Pét sẽ cấp nước tưới cho 7.700 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II. Hồ chứa cũng sẽ tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết; trong đó, đặt biệt là cấp nước sinh hoạt, nước tưới trực tiếp cho 1.600 ha 2 xã vùng cao thường xuyên thiếu nước là Hàm Cần và Mỹ Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam.
Do vậy, nếu được đầu tư xây dựng, hồ chứa nước Ka Pét sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt nhân dân trong vùng khô hạn. Cùng đó, dự án phù hợp với kỳ vọng sẽ có được nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp; nước cho sinh hoạt của nhân dân huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và nhân dân trong tỉnh Bình Thuận nói chung.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, quy mô dự án hồ chứa nước Ka Pét gồm: hồ chứa, đập đầu mối, tràn xả lũ, cống lấy nước đầu mối, công trình điều tiết, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ…. với tổng diện tích đất của dự án là 693 ha. Theo đó, diện tích đất rừng là 680 ha gồm: 162 ha rừng đặc dụng, 471 ha rừng sản xuất… Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 585 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của dự án là cân nhắc về việc “đánh đổi” diện tích rừng đặc dụng (chuyển đổi mục đích sử dụng 162 ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn Núi Ông) lấy nguồn nước. Diện tích rừng đặc dụng này thuộc ranh giới phía ngoài của khu bảo tồn, chất lượng rừng ở khu vực này ở mức trung bình, không phải là nơi sinh sống thường xuyên của loại động, thực vật nguy cấp, quý hiếm.
Qua nhiều giải pháp, tỉnh Bình Thuận lựa chọn giải pháp tối ưu là trồng rừng thay thế diện tích đã lấy cho dự án. Ngoài ra, với suất đầu tư tương đối thấp (9.000 đồng/m3), việc thực hiện dự án sẽ tạo ra hệ sinh thái, nước tưới và giải quyết nhiều mục tiêu tạo hiệu quả cao cho dự án.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho hay, huyện Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của tỉnh Bình Thuận. Nguồn nước mặt hàng năm được khai thác chủ yếu từ 3 con sông gồm sông Phan, sông Mương Mán và sông La Ngà. Nguồn nước này phân bố không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng nước trên các sông rất lớn, gây ra lũ lụt, trong khi vào mùa khô nước sông cạn kiệt, gây khó khăn trong cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân.