4 cùng với đồng bào
Triển khai thực hiện Đề án xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt Dân quân biên giới và xây dựng Điểm dân cư liền kề Đồn, Trạm Biên phòng, đến nay Bình Phước đã xây dựng được 12 điểm dân cư liền kề chốt dân quân và Đồn, Trạm biên phòng với trên 230 nhà ở, 1 nhà văn hóa, 1 điểm trường mầm non, 1 công trình thể dục thể thao, gần 700 nhân khẩu lên sinh sống lập nghiệp. Các tuyến đường giao thông ra các Đồn, Trạm Biên phòng cũng được xây dựng, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Với đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài hơn 60km, huyện Bù Gia Mập đã nỗ lực đầu tư cho 8 xã có đường biên giới giáp ranh, làm thay đổi diện mạo của vùng biên cương hẻo lánh. Khu tái định cư thuộc Tiểu khu 42, thôn 10, xã Đăk Ơ đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc. Đây là một trong hai khu tái định cư của huyện Bù Gia Mập dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ khó khăn thụ hưởng những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đường từ trung tâm xã vào khu tái định cư dài 10km vừa được trải nhựa phẳng lỳ, thoáng, rộng, hệ thống điện kéo vào 100% hộ trong dự án... Huyện đã huy động mọi nguồn lực kết hợp sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 xây dựng thành công khu tái định cư với đầy đủ cơ sở hạ tầng cơ bản, bảo đảm đời sống người dân vùng biên giới từng bước khá lên và có việc làm ổn định, mang lại thu nhập cho gia đình.
Chị Thị Phát (Khu tái định cư thuộc Tiểu khu 42, thôn 10, xã Đăk Ơ) xúc động chia sẻ: “Trước đây, gia đình không có đất sản xuất, nay được Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi đã chuyển đến khu tái định cư sinh sống, trồng điều, cây ăn trái. Gia đình tôi được hỗ trợ xây nhà, cấp bò giống. Ðến vùng đất mới, đường sá đi lại thuận tiện, trường học cũng gần hơn cho nên con chúng tôi có điều kiện được đến trường”.
Quản lý địa bàn hai xã Tân Thành, Tân Tiến thuộc huyện Bù Đốp, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng Tân Thành luôn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới và chăm lo đời sống nhân dân. Gia đình bà Huỳnh Thị Quýt (ấp Tân Định, xã Tân Thành) là hộ gia đình khó khăn về nhà ở. Vừa qua, được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Tân Thành, bà được xây tặng căn nhà tình nghĩa.
“Ngoài việc hỗ trợ làm nhà, cán bộ, chiến sĩ còn giúp gia đình tôi cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây như bưởi da xanh, mãng cầu, cam, quýt và tặng dê giống nuôi sinh sản... để làm kinh tế”, bà Quýt chia sẻ.
Không chỉ giúp người dân an cư, lạc nghiệp, Đồn Biên phòng Tân Thành còn hỗ trợ, giúp đỡ học sinh đến trường. Cháu Trần Quang Khải, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Tân Tiến gặp hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn, cháu phải ở với ông bà nội (thuộc diện hộ nghèo). Từ tháng 1/2023, Đồn Biên phòng Tân Thành nhận cháu làm con nuôi, được cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ kinh phí, chăm sóc đến khi học hết trung học cơ sở.
Ông Trần Ngọc Khanh (người dân ấp Tân Lợi, xã Tân Thành) cho biết, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thành là điểm tựa vững chắc cho người dân. Mới đây, tại Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, Đồn đã phối hợp với các tập thể, cá nhân tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân, tặng quà để người dân đón Xuân ấm áp.
Trưởng ấp Tân Định, ông Bùi Đức Thịnh khẳng định: “Người dân trong ấp hễ có khó khăn là được Đồn Biên phòng Tân Thành giúp đỡ. Đối với chúng tôi, cán bộ, chiến sĩ của Đồn là những người thân quý trong gia đình”.
Theo Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước, Đại tá Hoàng Văn Thành, từ năm 2019 đến nay, đơn vị phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp thực hiện các mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với khả năng, nguồn lực của từng cơ quan, đơn vị. Có thể kể đến chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, “Hũ gạo tình thương”, chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, mô hình “Dê giống giúp người nghèo”; “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”…
Tại 3 huyện biên giới, đơn vị phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp trao 4.530 suất học bổng, tặng 1.423 chiếc xe đạp; vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.855 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, trị giá gần 147 tỷ đồng; hỗ trợ gần 8,3 tỷ đồng, gần 5.000 con giống, khoảng 25.000 cây giống các loại để người dân phát triển kinh tế…
Với phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), đội ngũ cán bộ Bộ đội Biên phòng gần gũi với người dân, nắm bắt, tìm hiểu từng hoàn cảnh cụ thể, nhu cầu chính đáng, cũng như khí hậu, thổ nhưỡng và phong tục tập quán ở từng địa phương để có phương án giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp. Từ đó, giúp “thế trận lòng dân” ngày càng được củng cố bền chặt.
Gắn xây dựng nông thôn mới với bảo vệ vùng biên
Lộc Thiện là một xã biên giới của huyện Lộc Ninh, có đường biên giới dài hơn 9km, giáp với xã Tuần Lung, huyện Mê Mốt, tỉnh Tbong Khmum (Vương quốc Campuchia). Xã có 2.130 hộ với 7.697 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 18% dân số toàn xã. Kinh tế toàn xã chủ yếu nhờ vào nông nghiệp, trình độ dân trí chưa được đồng đều, nhận biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đồn Biên phòng Lộc Thiện cùng người dân khắc phục thiên tai, dịch bệnh, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Chính quyền địa phương đã phối hợp với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Lộc Thiện vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ học sinh có đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập, hàng ngàn suất quà, xe đạp và trợ cấp học bổng, đỡ đầu cho 3 học sinh nghèo hiếu học. Cùng với đó là hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng hơn 8.000 phần quà cho người nghèo, cận nghèo, khó khăn, đối tượng chính sách...; vận động tặng 44 con bò giống làm phương kế phát triển kinh tế.
UBND xã Lộc Thiện phối hợp với Đồn Biên phòng cùng Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể của xã triển khai tuyên truyền Nghị định 34 của Chính phủ về thực hiện quy chế biên giới đất liền, Luật Biên phòng Việt Nam... Hàng năm, nhân ngày Biên phòng toàn dân, địa phương triển khai đến từng hộ dân đăng ký thực hiện Chỉ thị số 01 của Chính phủ về “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Xã hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, có 30 thành viên hoạt động tích cực, hiệu quả.
Chủ tịch UBND xã Lộc Thiện Trần Thị Mai Quyên khẳng định: “Cán bộ và nhân dân địa phương đều nhận rõ trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Mỗi người dân địa phương đều xem cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng như người thân, con em của gia đình mình vì họ luôn thể hiện rõ trách nhiệm trong mọi lĩnh vực đời sống, gắn bó mật thiết trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Quân và dân luôn thể hiện rõ một quyết tâm và ý chí đó là bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.
Ông Nguyễn Gia Hòa, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết, những việc làm đầy ý nghĩa, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã giúp cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng được cải thiện. Đồng thời, cán bộ Biên phòng đã phối hợp với đội ngũ chuyên trách giải quyết những vấn đề thắc mắc của quần chúng từ cơ sở, giúp cho tình đoàn kết quân dân ngày càng bền chặt, hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn.
Bù Đốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, có gần 86km đường biên giáp với tỉnh Mondulkiri và tỉnh Kratie (Vương quốc Campuchia). Thực hiện Đề án “Xây dựng Điểm dân cư liền kề Chốt Dân quân, Đồn, Trạm Biên phòng biên giới” của Quân khu 7, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực vào cuộc, triển khai thực hiện hiệu quả, bền vững, từng bước hình thành các khu dân cư biên giới.
Điểm dân cư liền kề Chốt Dân quân thường trực biên giới Thanh Hòa, thuộc tổ 10, ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp hiện có hơn 50 hộ dân sinh sống với trên 180 nhân khẩu. Từ 5 căn nhà đầu tiên được bàn giao vào năm 2019, đến nay, nơi đây đã phát triển lên hơn 50 căn nhà khang trang, sạch đẹp. Mỗi hộ dân được bố trí 480m2 đất ở, trong đó diện tích nhà ở là 72m2, kinh phí xây dựng là 120 triệu đồng/căn do Quân khu 7 và địa phương phối hợp thực hiện. Để giúp người dân ổn định cuộc sống nơi biên giới, Quân khu đã hỗ trợ dê, bò sinh sản tạo sinh kế; phối hợp cùng chính quyền địa phương bảo đảm điện thắp sáng, nước sạch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Nguyễn Minh Phong khẳng định, Đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề Chốt Dân quân, Đồn, Trạm Biên phòng biên giới” đã tạo nên diện mạo mới về cuộc sống vùng biên. Người dân yên tâm “bám đất giữ làng”, tự nguyện là “tai”, “mắt” cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Từ đây, quân dựa vào dân để bảo vệ biên giới, dân dựa vào quân để an tâm lao động, sản xuất, tự hào là “cột mốc” sống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.