Duy trì đà tăng trưởng
Dù đã qua nhiều ngày, tỉnh Hưng Yên không phát sinh ca bệnh COVID-19, nhưng tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng như thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập là rất lớn. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên luôn đặt mục tiêu hàng đầu là phòng, chống dịch; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đã chỉ đạo các sở, ngành nỗ lực hơn, cố gắng hơn để duy trì vững chắc tỉnh Hưng Yên là “vùng xanh”. Theo đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chủ động trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các đơn vị bám sát tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh để thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 là rất khó khăn. Mặc dù vậy, UBND tỉnh Hưng Yên, dự kiến năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh (GRDP) đạt 6,32% (trong khi theo kế hoạch là 7,5%); giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,29% (kế hoạch 2,2%). Tỉnh cũng dự kiến thành lập mới 21 hợp tác xã, 17 tổ hợp tác, duy trì 175 liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, có thêm 5-10 khu dân cư được công nhận là khu dân cư kiểu mẫu; thêm 5-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1-2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, tỉnh cũng dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 9,02% (kế hoạch 8,7%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,95% (kế hoạch 8,7%); giá trị sản xuất xây dựng tăng 0,32%; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 2,58% (kế hoạch 7%).
Dự kiến trong năm 2021, toàn tỉnh thu hút được 53 dự án đầu tư, giảm 50 dự án so với năm 2020; trong đó, có 42 dự án đầu tư trong nước và 11 dự án đầu tư nước ngoài. Theo đó, nâng tổng số dự án trên địa bàn tỉnh là 2.039 dự án gồm 1.543 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 225.633 tỷ đồng và 496 dự án nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký 5,64 tỷ USD.
Trong nửa đầu năm 2021, tỉnh Hưng Yên đã ghi nhận kết quả khả quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,75%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng tăng 7,68% (kế hoạch năm tăng 8,7%); thương mại và dịch vụ tăng 4,45% (kế hoạch năm tăng 7%); nông nghiệp và thủy sản tăng 2,84% (kế hoạch năm tăng 2,2%); tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 5,38%.
Bên cạnh đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ triển khai ngay một số chính sách mới nên kết quả thu ngân sách trong nửa đầu năm của Hưng Yên cũng có nhiều điểm sáng. Cụ thể, tổng thu ngân sách đạt 9.857 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch; trong đó, thu nội địa 7.869 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch; thu xuất nhập khẩu 1.988 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch.
Không để kinh tế bị "đứt gãy"
Từ nay đến cuối năm, Hưng Yên vẫn tiếp tục đặt mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 lên hàng đầu, song hành với đó là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt mục tiêu đó, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, áp dụng mức lãi suất cho vay linh hoạt, hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Thực hiện mở rộng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hưng Yên cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đổi mới hoạt động kinh doanh thông qua hình thức thương mại điện tử. Tỉnh chuẩn bị các điều kiện để tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh Hưng Yên trong năm 2021, đặc biệt là phương án tổ chức trực tuyến các sự kiện trong điều kiện dịch COVID-19. Tỉnh cũng tăng cường đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, Hưng Yên không ngừng cải thiện môi trường, đẩy mạnh thu hút đầu tư; đẩy mạnh thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho doanh nghiệp để sớm triển khai các dự án đầu tư. Địa phương đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp số 1, số 3, số 5, Yên Mỹ II mở rộng và khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng giai đoạn 3 hoàn thiện hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư.
Tỉnh có giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Minh Đức, Phố Nối A, Yên Mỹ, Minh Quang và các khu công nghiệp đã được quyết định chủ trương đầu tư tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Tỉnh cũng tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp đã được quy hoạch; tích cực trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại, nhất là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai.
Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, trong những tháng còn lại của năm, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh; theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn, không để dồn điều chỉnh kế hoạch đầu tư vào cuối năm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, tỉnh sẽ tập trung khai thác tốt các nguồn thu; phấn đấu tăng thu từ những ngành, lĩnh vực ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tỉnh chủ động rà soát những nguồn thu còn tiềm năng từ những dự án đầu tư hết thời hạn ưu đãi, các dự án mới phát sinh, các hoạt động kinh doanh thương mại. Tỉnh thường xuyên theo dõi cân đối ngân sách, đảm bảo kinh phí phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.